Phát triển dịch vụ cho ngành du lịch Hậu Giang

08/03/2018 | 08:34 GMT+7

Để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam Trương Thanh Vũ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển ngành dịch vụ tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Từ đó, ông đã đưa ra một số giải pháp để biến dịch vụ trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế địa phương.

Xã hội hóa, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng là giải pháp giúp mô hình du lịch nông nghiệp phát triển, đem lại thu nhập cho nông dân.

Hiện vai trò của khu vực dịch vụ trở nên rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn đến năm 2030. Khu vực dịch vụ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, tăng thu ngân sách cho địa phương, đồng thời giảm nghèo cho khu vực nông thôn. Du lịch là một trong 6 ngành có vai trò động lực, là huyết mạch trong phát triển kinh tế trên địa bàn mà tỉnh cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển để tạo đột phá. Bởi du lịch là ngành công nghiệp không khói, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, mở rộng cơ sở hạ tầng, giúp nông dân vừa canh tác vừa kiếm thêm thu nhập.

Năm 2017, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang Nguyễn Duy Tân đã làm thí điểm một mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới trên địa bàn xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Mô hình không chỉ phát huy thế mạnh nông nghiệp kinh tế vườn cho nông dân mà còn giúp từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn, thu hút du khách về tham quan, tìm hiểu và đầu tư cho tỉnh. Ông Lê Quốc Chiến, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy - nông dân thực hiện mô hình, cho biết: “Hồi đó đến giờ, nhà tôi chỉ biết làm vườn chờ đến kỳ thu hoạch. Nhưng giờ làm mô hình này, doanh thu nhà tôi khá hơn bằng nghề làm du lịch”.

Trước đây, vườn nhà ông Chiến chỉ trồng xoài, khi tham gia mô hình, gia đình ông còn tăng thêm thu nhập bằng việc bán bắp trái cho khách đến tham quan, nghỉ chân nếu không ngay mùa xoài… Mô hình đã giúp du khách có cơ hội tìm về thiên nhiên, gắn với thưởng thức sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, mô hình chưa phát huy hết được tiềm năng do đường dẫn vào mô hình du lịch của ông Chiến chưa được đầu tư, chưa có nơi đỗ xe, nghỉ lại cho du khách.

Theo phân tích của chủ nhiệm đề tài Trương Thanh Vũ thì ngành du lịch tỉnh còn yếu do thiếu tính liên kết vùng. Đồng thời, phải tạo điểm nhấn du lịch của tỉnh. Theo ông Vũ, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều điểm nhấn du lịch như chợ nổi Ngã Bảy, nơi đây có sẵn đặc sản cam sành Ngã Bảy của địa phương. Đây là khu du lịch có tiếng vang với điểm nhấn là 7 ngả sông. Còn các khu du lịch Khóm cộng đồng ở xã Hỏa Tiến, Lung Ngọc Hoàng, Khu rừng tràm Việt Úc đang dần hoàn thiện sẽ hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Nhưng gần đây chưa phát huy được hết tính năng, vì vậy cần có một giải pháp vực dậy.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, nhận định: Các điểm nhấn du lịch này chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đường giao thông chưa di chuyển đến tận nơi. Vì vậy, cần có sự đầu tư đồng bộ của các ngành văn hóa, đầu tư, tài chính, công thương. Tuy nhiên, theo chủ nhiệm đề tài thì xã hội hóa phát triển các loại hình du lịch cũng là giải pháp ưu tiên, góp phần giảm bớt chi phí đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra, các khu du lịch chưa có khách sạn hay chỗ nghỉ qua đêm khiến du khách ngán ngại tìm đến. Nếu có thì du khách tìm đến những nơi sầm uất khác của khu vực như thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang để lưu trú, làm cho tỉnh ta mất một phần doanh thu. Giải quyết nhược điểm này, chủ nhiệm đề tài đã kiến nghị tỉnh cần có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị dịch vụ du lịch nâng cao năng lực phục vụ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch liên kết với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để nâng tầm du lịch. Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng loại hình homestay cho tỉnh nhằm hướng đến sự phát triển bền vững du lịch cộng đồng, du lịch homestay ở Hậu Giang.

Chất lượng và trình độ của con người, phục vụ viên là khâu then chốt nhằm nâng chất lượng thái độ phục vụ với phương châm “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” sẽ tạo được ấn tượng cho du khách. Ông Lê Quốc Chiến đã hứa hẹn: “Mô hình du lịch này khá hay nên tôi đã xây dựng, cải tạo vườn, trồng cây, nuôi cá, tạo lối đi và cảnh quan quanh vườn, xây nhà vệ sinh, cất chòi dừng chân… Tôi cũng tìm hiểu quy trình, kỹ thuật trồng thêm một số loại rau màu khác để phục vụ nhu cầu thực khách, thực hành chăm sóc vườn, tát mương bắt cá, giăng lưới cho khách du lịch”. Còn ông Huỳnh Tùng Dương tham gia mô hình Du lịch khóm cộng đồng thì sẽ chế biến nhiều thức ăn, nước uống từ khóm như rượu khóm, mứt khóm, kẹo khóm và đồ thủ công từ khóm để du khách mua làm quà lưu niệm.

Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, nếu loại hình dịch vụ du lịch được phát triển sẽ giúp tỉnh tăng GDP và hoạch định chiến lược lĩnh vực đến năm 2030. Những đóng góp, giải pháp của đề tài sẽ là cơ sở để hộ cá thể, kinh tế hợp tác phát triển tiềm năng kinh doanh và tăng doanh thu.

Bài, ảnh: TRÚC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>