Đưa du lịch Hậu Giang vươn tầm - Điểm nhấn từ những chủ trương quan trọng

20/05/2022 | 16:55 GMT+7

Tỉnh ủy đã có những Nghị quyết, Chương trình và ý tưởng đột phá, góp phần quan trọng trong định hướng phát triển ngành công nghiệp không khói phát triển xứng tầm, để du lịch xứng đáng là 1 trong 4 trụ cột phát triển của tỉnh nhà.

Bài 1: Cơ hội mới cho du lịch Hậu Giang

Chiều buông, trên chiếc du thuyền có sức chứa gần 200 người, rời bến Khách sạn Bông Sen về hướng cầu Cái Tư, đưa du khách xuôi dòng Xà No, thưởng ngoạn vẻ đẹp sông nước Hậu Giang... Du lịch tỉnh nhà được kỳ vọng khởi sắc với sản phẩm mới này.

Tàu du lịch Xà No đã chính thức hoạt động với khởi đầu 10km trên tuyến kênh xáng Xà No, đoạn qua thành phố Vị Thanh. Ảnh: TRUNG QUÂN

Ý tưởng đột phá đã thành hiện thực

Tháng 9-2021, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chỉ đạo ngành phải xây dựng cho được sản phẩm du lịch phục vụ du khách, mở hướng đi mới cho du lịch phát triển...

Hơn 4 tháng sau, với tất cả sự quyết tâm, tàu du lịch Xà No đã chính thức đi vào hoạt động, do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Vạn Phát đưa từ Cần Thơ về khai thác.

Chiếc tàu 2 tầng, dài 33m, cao 7m, có không gian thoáng đãng với sức chứa gần 200 khách, phục vụ đủ các món ăn, uống với giá bình dân, đáp ứng nhu cầu của cá nhân hoặc nhóm khách, kể cả tổ chức hội nghị, tiệc...

Khi tham gia chuyến tàu, du khách còn được ngắm nhìn vẻ đẹp của bờ kè Xà No suốt chiều dài gần 10km, khi tàu di chuyển trên sông gần 2 giờ vào mỗi buổi tối.

Du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp hiền hòa của dòng sông từng đi vào thơ ca, nhạc, họa và ký ức bao thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, rồi thưởng thức những món ăn, thức uống miền sông nước.

Đây chính là sản phẩm du lịch đầu tiên, ra đời bằng tất cả sự tâm huyết của tỉnh, muốn đưa du lịch bứt phá.

Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Khi được giao nhiệm vụ xây dựng sản phẩm du lịch này, tôi rất lo, vì trong khoảng thời gian ngắn phải có sản phẩm, mà phải mới, lạ, tạo điểm nhấn. Nhiều phương án đã được đưa ra, từ đóng mới, thuê và cuối cùng là phương án kêu gọi doanh nghiệp có kinh nghiệm khai thác tàu nhà hàng vào khai thác trên phương tiện sẵn có, để đảm bảo thời gian, sự chuyên nghiệp”.

Sự khởi đầu này rất quan trọng, là tiền đề để phát triển những sản phẩm du lịch tiếp theo, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong những năm tới của tỉnh nhà. Đây cũng là điểm sáng không dễ dàng có được, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cùng sự quyết tâm vào cuộc tìm kiếm đối tác vừa tầm của các ngành, các cấp có liên quan, để xây dựng sản phẩm du lịch vừa tầm.

Du lịch Hậu Giang đã được khơi nguồn từ sản phẩm du lịch đầu tiên này, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước đưa du lịch Hậu Giang có tên trên bản đồ du lịch nước nhà.

Tận dụng thời cơ

Du lịch đã được chọn là một trong 4 trụ cột để đầu tư, định hướng phát triển, bằng Nghị quyết số 04-NQ/TU Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Từ nghị quyết này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân kỳ thực hiện.

Trong đó, mục tiêu đặt ra cho du lịch là tập trung thực hiện 2 sản phẩm du lịch là tàu du lịch trên tuyến Xà No, tham quan vùng khóm Cầu Đúc, các di tích lịch sử và khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Bên cạnh đó, xây dựng 6 điểm du lịch cộng đồng; mỗi huyện, thị, thành phố phải có một sản phẩm du lịch…

Xây dựng sản phẩm du lịch khai thác tiềm năng miền sông nước cũng đã được nghĩ đến, tính toán trong lộ trình đầu tư phát triển du lịch và ngay đầu năm 2022 đã có động thái tích cực.

Hàng loạt những đề án, dự án hỗ trợ, phát triển du lịch đã được xây dựng, nổi bật là Đề án Phát triển du tỉnh Hậu Giang, Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang, Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng... Tất cả là sự chuẩn bị đó để đi đến bước quyết tâm vực dậy ngành “du lịch không khói”.

Du lịch Hậu Giang đã có những hướng mở và chắc chắn rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội mới, được quan tâm đầu tư phát triển, kỳ vọng có thêm nhiều cơ hội mới.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Việc chọn doanh nghiệp vào khai thác du lịch cũng là tiền đề để hướng đến mục đích cao hơn, xa hơn, khai thác tuyến đường thủy huyết mạch, kết nối các tua, tuyến trong vùng. Một sản phẩm ra đời thành công, hứa hẹn mở hướng cho những sản phẩm tiếp theo, khi đã có chủ trương, định hướng đúng đắn, có chiều sâu, sự vào cuộc đồng bộ”.

Nghĩ ra sản phẩm đã khó, xây dựng hoàn chỉnh một sản phẩm du lịch lại càng khó hơn. Không đơn thuần là chỉ đạo và triển khai thực hiện, mà phải tư duy, tìm thấy sự khác biệt, vừa mang tính chất bản địa, phát huy giá trị văn hóa, phù hợp với thị trường du lịch, mang lại điều thú vị riêng biệt so với những nơi khác.

Hậu Giang đã liên kết vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL để cùng hỗ trợ phát triển du lịch, nên cần nghiên cứu để có thể mở rộng kết nối tua xa hơn, di chuyển qua nhiều tỉnh, thành khác, không chỉ dừng lại một sản phẩm trong khoảng 10km khởi đầu này!

Theo nhiều chuyên gia về du lịch trải nghiệm: Hậu Giang có nét riêng khó hòa lẫn, nếu có một góc nhìn mới, sáng tạo, sẽ có thể khai thác thành sản phẩm khác biệt, điển hình là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, vùng khóm Cầu Đúc, vườn trầu Vị Thủy.

Đặc biệt là khai thác du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No, với tuyến giao thương huyết mạch này, nếu khai thác để thấy được nét đẹp vùng sông nước, thế mạnh làng nghề cùng nhịp sống yên bình của người dân hai bên bờ sông, sẽ là sản phẩm khác biệt đầy hứa hẹn.

Bài, ảnh: THU THỦY

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích