Trả lời kiến nghị của cử tri: Đã và đang thực hiện bình ổn giá hiệu quả

30/09/2022 | 07:27 GMT+7

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.

Kiểm tra một cơ sở kinh doanh xăng dầu ở huyện Châu Thành A (tháng 2-2022).

Cử tri kiến nghị

Cử tri tỉnh Hậu Giang và nhiều tỉnh, thành trong cả nước kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm thực hiện hiệu quả việc miễn giảm các loại thuế được tính trong giá xăng dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) và miễn giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; đồng thời, có chính sách bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống của Nhân dân do hiện nay thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, kéo theo các mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính trả lời

Chính sách thuế đối với xăng dầu

Trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu. Cụ thể như sau:

Về thuế bảo vệ môi trường:

- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

- Giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18 ngày 23/3/2022 của UBTVQH.

Theo tính toán, ước tác động giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 13 và Nghị quyết số 18 là 25.538 tỉ đồng.

- Giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong khung thuế BVMT từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20 ngày 06/7/2022 của UBTVQH (thay thế Nghị quyết số 18 và 13 của UBTVQH).

Theo tính toán, ước tác động giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 20 khoảng 7.950 tỉ đồng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (Nghị quyết số 13, 18 và 20) khoảng 33.488 tỉ đồng.

Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 11/8/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 19,94% đối yới xăng E5RON92, khoảng 22,34% đối với xăng RON95 và khoảng 11,51% đối với dầu diesel.

Về kiến nghị miễn thuế BVMT đối với xăng dầu: Thuế BVMT là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của chính sách thuế BVMT là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm với môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, Luật Thuế BVMT không có quy định miễn thuế BVMT.

Về thuế nhập khẩu:

Để đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu cho thị trường trong nước (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51 ngày 08/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang rà soát, tham mưu và sớm báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu (MFN) phù hợp đối với nguyên vật liệu đầu vào khắc phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ban hành Biểu thuế suất quy định tại Điều 10 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng:

Ngày 07/7/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1265 về kết luận của UBTVQH về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (phiên họp ngày 06/7/2022), trong đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, hiện nay, Bộ Tài chính đang theo dõi sát giá xăng dầu thế giới và tình hình giá xăng dầu trong nước để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án phù hợp.

Chính sách bình ổn giá cả

Trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, giữ ổn định giá các mặt hàng Nhà nước định giá,... Từ đó, giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,54%, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm tăng 1,44%.

Bên cạnh đó, trước việc giá xăng dầu giảm mạnh trong tháng 7-2022 nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn có xu hướng tăng giá, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý, điều hành giá trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 679 ngày 31/7/2022 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>