Tăng cường quản trị để phòng ngừa rủi ro trong phát triển

12/11/2021 | 08:00 GMT+7

Trong phần phát biểu của mình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh đến yếu tố: phải có giải pháp tăng cường quản trị để phòng ngừa rủi ro, tăng tính khả thi trong thực hiện kế hoạch tài chính, ngân sách, cơ cấu lại và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: TTXVN

“Để chuẩn bị cho Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch tài chính, ngân sách, cơ cấu lại và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực trong việc chuẩn bị kế hoạch và các báo cáo thẩm tra. Qua nghiên cứu, tôi bày tỏ sự thống nhất với các kế hoạch và báo cáo thẩm tra”, đại biểu Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu này cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các kế hoạch được xây dựng theo kịch bản tăng trưởng khá tích cực; đây là mong muốn, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ nhằm cơ cấu, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cho dù mong muốn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch nhưng thực tiễn cho thấy có những yếu tố tác động đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp tăng cường quản trị để phòng ngừa rủi ro, tăng tính khả thi trong thực hiện kế hoạch.

Ông Lê Minh Nam trao đổi: Thận trọng không phải là tự ti hay phức tạp hóa vấn đề, ở đây thận trọng tính kỹ để giúp chúng ta có đủ sự tự tin, có được sự yên tâm cần thiết khi triển khai các giải pháp. Tôi rất tâm đắc cách lý giải về tác dụng của phanh xe ô tô của một đại biểu, theo đó, đừng nghĩ cái phanh là để kìm hãm mà coi nó là công cụ kiểm soát giúp chúng ta tự tin để đi nhanh mà không lo gây tai nạn. Từ logic đó, tôi nghĩ chúng ta cần thiết kế những cái phanh để phòng ngừa trường hợp nếu có bánh xe nào chuẩn bị tụt dốc thì ta chủ động ứng phó. Thêm nữa, nhìn thẳng vào khó khăn, dự báo và nỗ lực xử lý những khó khăn cũng là một cách để hiểu rõ thêm và chung tay chia sẻ với Chính phủ, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các kế hoạch.

Cụ thể, đại biểu thông tin, kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước năm 2022 hiện đang dự kiến cao hơn năm 2021, tuy nhiên, như đã biết, vừa qua một số trung tâm kinh tế, công nghiệp quan trọng có đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước lớn đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, mất thị trường, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và thu nộp ngân sách nhà nước. Để khắc phục lại trạng thái ban đầu cũng cần có thời gian và lộ trình hàn gắn nhất định.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi nhưng không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng không chỉ đến thị trường tiêu thụ và cả đến thị trường các yếu tố đầu vào. Vì vậy, những khó khăn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, cả từ thu xuất nhập khẩu cũng như thu nội địa. “Vì vậy, để quản trị tăng thu, bên cạnh các giải pháp cụ thể như xây dựng chính sách như nuôi dưỡng, kích thích tăng trưởng nguồn thu, tháo gỡ vướng mắc, bất cập và cải thiện công tác quản lý thu, đôn đốc truy thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại, tôi nghĩ Chính phủ cũng cần dự kiến phương án dự phòng để điều chỉnh cơ cấu, quy mô huy động nguồn thu trong những tình huống phát sinh không mong đợi”.

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước, đại biểu cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu hạn chế, rất cần đánh giá dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên để đảm bảo dự toán được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, xem xét những công trình nội dung chi không cần thiết thì cắt giảm, xếp thứ tự ưu tiên tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cấp bách. Trường hợp khó khăn thì chúng ta cũng phải chấp nhận cắt giảm và chưa thực hiện những nhiệm vụ xếp thứ tự ưu tiên sau.

Về hệ thống các doanh nghiệp, đại biểu Nam đánh giá vừa qua trải qua thử thách đau đớn bởi sàng lọc tự nhiên sau đại dịch, tuy nhiên, qua đó cũng có cơ hội nhìn lại để cơ cấu, sắp xếp lại lĩnh vực, loại hình quy mô của hệ thống doanh nghiệp xương sống của nền kinh tế, nhằm tạo lập nguồn thu ngân sách nhà nước một cách tích cực, đúng quy luật và bền vững. “Theo đó, tôi đề nghị cần tập trung đánh giá kỹ thực trạng, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để định hướng đầu tư, thiết lập cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo cơ cấu chọn lọc hợp lý, hiệu quả, bền vững, gắn với lợi thế của Việt Nam. Cũng cần xác định rõ thế mạnh và ưu thế là cái gì, cái gì cạnh tranh được, cái gì tự lực, tự cường để có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển”, ông Nam phát biểu.

Cụ thể, ngoài tập trung quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt kinh tế để kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì Chính phủ cần quan tâm, tạo điều kiện phát triển những doanh nghiệp có thế mạnh, có năng lực cá biệt hoặc nằm trong hệ thống ngành có lợi thế quốc gia hoặc gắn với các tiềm năng, tiềm lực của quốc gia. Ví dụ như là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, lợi thế địa lý, điều kiện tự nhiên hoặc lợi thế bờ biển. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiếp cận với xu hướng phát triển hội nhập, đi theo xu thế của thế giới như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo để tạo điều kiện sáng tạo gắn với thế mạnh nguồn nhân lực cần cù, thông minh, ham học, giúp các doanh nghiệp phát triển về tăng trưởng cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững và hiệu quả.

Ông Lê Minh Nam: Trong tổ chức thực thi các kế hoạch, cần quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện ở các cấp thực thi. Kế hoạch tổng thể của Trung ương thể hiện là vĩ mô, tầm nhìn nhưng không thể thay thế kế hoạch tổ chức thực hiện cho các cấp thực thi. Về nguyên tắc, các bộ phận trực tiếp thực hiện phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh, thế mạnh cụ thể của đơn vị mình, chứ không nêu chủ trương, nguyên tắc như ở cấp trung ương, không phải là tất cả nhưng có điều kiện tiếp cận với một số kế hoạch cụ thể. Tôi thấy vẫn còn coi trọng đề cập nguyên tắc chủ trương mà chưa đưa ra được nhiều các mục tiêu, giải pháp lượng hóa cụ thể để bố trí nguồn lực thực hiện cũng như làm tiêu chí đánh giá kết quả. Nếu rập khuôn thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo sẽ khó phát huy lợi thế, tiềm năng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tập hợp sức mạnh đóng góp cho mục tiêu chung. Mong Chính phủ quan tâm thêm đến khía cạnh này để kiểm soát, chấn chỉnh và khắc phục.

 

TRÍ THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>