Tâm huyết đóng góp cho kế hoạch phát triển của đất nước

31/10/2022 | 08:35 GMT+7

Thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bên cạnh bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2023, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, còn tâm huyết đóng góp vào nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phát biểu thảo luận ở hội trường.

Theo Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, năm 2022, nước ta vẫn còn đối mặt với các tác động nghiêm trọng về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cử tri vẫn rất lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng

Đối với đóng góp vào nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, cụ thể về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đánh giá cao trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tham mưu cho Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu lĩnh vực, ngành; tạo mọi điều kiện để các mặt hàng nông - lâm - thủy - sản nâng cao giá trị sản phẩm…

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, cử tri và Nhân dân vẫn rất lo ngại và luôn trăn trở về tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao; trong khi đó, một số loại nông sản, hàng hóa của nông dân sản xuất ra không tiêu thụ được, nếu tiêu thụ được thì bán giá thành rất thấp, thậm chí bị lỗ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân (điệp khúc trên được lặp đi lặp lại nhiều lần đề xuất, kiến nghị của cử tri, thực trạng có vậy, nhưng giải pháp giải quyết chưa kịp thời).

Vậy nên các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ có chính sách hỗ trợ trên lĩnh vực nông nghiệp kịp thời cho nông dân, nhằm giảm gánh nặng trong đời sống. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp. “Do tập trung phát triển nông nghiệp, trở thành vựa lúa cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước thì các tỉnh nông nghiệp không thể cùng lúc đầu tư phát triển công nghiệp hoặc các lĩnh vực khác để phát triển kinh tế cho tỉnh, do đó đa số các tỉnh làm nông nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam lý giải.

Từ đó, Chính phủ cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời để tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Cũng theo Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần quan tâm kiểm soát nguồn gốc và chất lượng mặt hàng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón trên thị trường còn nhiều loại phân bón kém chất lượng, hàng giả vẫn còn trôi nổi trên thị trường làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân.

Có giải pháp phát triển văn hóa - xã hội ngang bằng với kinh tế

“Dù biết rằng quy luật cung - cầu của thị trường theo giá thực tế, nhưng sản phẩm nông nghiệp nói riêng và các mặt hàng khác nói chung của người dân rất cần vai trò chi phối, quản lý kịp thời của Chính phủ và các ngành kiểm soát đảm bảo nguồn gốc, chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng chống hàng giả, kém chất lượng, nhằm giảm thiệt hại cho người dân, tạo đầu ra tốt cho từng vùng, miền, để người dân tạo ra sản phẩm được mùa, được giá tốt hơn”, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phân tích.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ quan tâm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo chuỗi giá trị, có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để người dân có nơi tiêu thụ sản phẩm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Về lĩnh vực đầu tư công, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang kiến nghị, Chính phủ có các giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt vốn vay nước ngoài. Hiện nay, khi triển khai các dự án đầu tư công, các dự án giao thông thường chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra, nguyên nhân cơ bản là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện chậm do phân nhóm dự án thuộc thẩm quyền từng cấp chậm, gây lãng phí.

Vì vậy, để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, đại biểu Lê Thị Thanh Lam kiến nghị cho tách công tác giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập đối với các dự án nhóm B nhằm đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, đề nghị Chính phủ có giải pháp phát triển văn hóa - xã hội ngang bằng phát triển kinh tế, để đất nước phát triển toàn diện hơn; hạn chế tệ nạn xã hội, nâng cao đạo đức, mức sống cho Nhân dân và sớm khắc phục tình trạng công chức, viên chức bỏ việc.

Đánh giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với sự phát triển của đất nước, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh: “Nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả để duy trì và từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; đặc biệt phục hồi và phát triển nhanh về kinh tế của đất nước”.

 

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>