Lấy ý kiến đóng góp đối với 2 dự thảo luật

16/05/2022 | 16:07 GMT+7

(HGO) – Chiều ngày 16-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chủ trì hội nghị.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tiếp thu các ý kiến đại biểu.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương, 116 điều quy định rõ mục đích, nguyên tắc hoạt động thanh tra, chức năng của cơ quan thanh tra, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; quyền nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan, tổ chức; các hành vi bị nghiêm cấm.

Cho ý kiến vào dự thảo luật, các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành luật. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh, bổ sung nội dung một số điều nhằm làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm và việc phân cấp quản lý nhà nước công tác thanh tra. Các đại biểu cũng cho rằng, cần quy định rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm hạn chế chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm từng cơ quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị không nên thành lập thêm thanh tra cấp cục, tổng cục, đồng thời bổ sung công chức thanh tra cấp huyện, nhiệm vụ cụ thể của phó đoàn thanh tra…

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với luật hiện hành. Đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có liên quan trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân có liên quan, bao gồm cả công dân Việt Nam và công dân nước ngoài cư trú tại Việt Nam.  

Lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tham gia góp ý dự thảo luật, các ý kiến đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm một số một số hành vi về bạo lực gia đình; xem xét quy định về trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình tránh trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình lấy ngân sách chung của gia đình để bồi thường cho người bị bạo hành. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý bạo lực gia đình; đồng thời tiếp tục duy trì quy định về tổng đài phòng, chống bạo lực gia đình…

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với các dự thảo luật. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung bằng văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới.

 

Tin, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>