Kiến nghị nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh lên Quốc hội

21/10/2022 | 08:14 GMT+7

Trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề và định kỳ trực tiếp tại 8 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh, với số lượng 1.542 cử tri tham dự, có 78 lượt cử tri phát biểu và ghi nhận được 150 ý kiến, kiến nghị; trong đó có nhiều nội dung liên quan đến Trung ương.

Khai mạc Kỳ họp thứ Tư Quốc hội khóa XV.

Cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu nhằm có nhiều đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn quan tâm việc giá xăng, dầu hiện nay đã được điều chỉnh giảm, nhưng các mặt hàng thiết yếu tăng liên tục; giá vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao, nông dân sản xuất, kinh doanh không có lãi, do giá đầu vào quá cao, giá đầu ra quá thấp; về hoạt động cho vay tiền, tín dụng đen qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại di động ngày càng nhiều, chưa có dấu hiệu giảm; tình hình tội phạm gia tăng, gây tâm lý hoang mang cho người dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội,...

Về các kiến nghị, cử tri kiến nghị Chính phủ: Theo Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã hết hiệu lực, nhưng thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn rất nhiều gia đình có công với cách mạng có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa được xem xét, hỗ trợ. Kiến nghị Chính phủ xem xét có quy định mới về chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này.

Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức tại Điều 5 của Nghị định số 138 ngày 27/11/2020 của Chính phủ có quy định ưu tiên trong tuyển dụng công chức. Kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung nhóm đối tượng là cán bộ không chuyên trách ở cơ sở có quá trình công tác từ 10 năm trở lên vào nhóm đối tượng ưu tiên.

Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, tại Điều 5 của Nghị định 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ chưa quy định đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với đối tượng bệnh ung thư, bệnh suy thận mãn tính. Kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung nhóm đối tượng là người bệnh ung thư, bệnh suy thận mãn tính được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.

Kiến nghị Chính phủ xem xét sớm thực hiện lộ trình tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, vì thời gian qua có quy định nhưng chưa thực hiện đúng lộ trình tăng lương cơ sở.

Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thống nhất bộ sách giáo khoa đạt chuẩn quy định để áp dụng chung cho các bậc học. Vì hiện nay sách giáo khoa thường xuyên được thay đổi, gây khó khăn trong quá trình giảng dạy của giáo viên, tạo áp lực cho học sinh khi tiếp cận, bên cạnh đó còn gây tốn kém nhiều kinh phí cho các gia đình phụ huynh học sinh, đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.

Kiến nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp từ 40% lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường thị trấn theo Nghị định số 56 ngày 04/7/2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Cử tri cũng nêu ý kiến, thực tế vừa qua cho thấy tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh trong danh mục Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh công lập trên địa bàn tỉnh còn thiếu rất nhiều, số bệnh nhân đã và đang điều trị nội trú, ngoại trú, trong quá trình điều trị còn nhiều trường hợp bác sĩ phải kê toa thuốc cho người bệnh ra bên ngoài mua để điều trị. Kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế.

Cử tri kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét những đối tượng thương binh trước đây đã được giám định xong, nhưng chưa đạt tỷ lệ được công nhận là thương binh, đến nay do vết thương lâu ngày đã có diễn biến tái phát. Kiến nghị có chính sách cho rà soát giám định lại tỷ lệ thương tật số thương binh chưa đạt trước đây, vì hiện nay số đối tượng thương binh này còn khá nhiều.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư hệ thống cống thoát nước hai bên tuyến đường Quốc lộ 1A, đoạn từ cầu Đất Sét, thuộc xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, đến giáp ranh thành phố Cần Thơ vì vào mùa mưa, tuyến đường này thường xuyên gây ngập úng và nước tràn vào nhà dân.

“Lấy chất lượng kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”

 

Ngày 20-10, Quốc hội long trọng khai mạc Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, như thường lệ, kỳ họp cuối năm bao giờ cũng có khối lượng công việc rất lớn. Tại phiên họp trù bị, với tinh thần “lấy chất lượng kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”, các vị đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, dự kiến trong 21 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng.

Cụ thể: Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến 7 dự án luật khác, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Về quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Quốc hội cũng tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và xem xét đề xuất của Chính phủ cho gia hạn hiệu lực Nghị quyết này và một số vấn đề quan trọng khác.

 

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>