Đề nghị tăng nguồn ngân sách bố trí hàng năm cho y tế

11/11/2021 | 09:00 GMT+7

Nêu ý kiến thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, định hướng năm 2022 và về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hậu Giang, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp về tăng nguồn ngân sách nhà nước bố trí hàng năm cho lĩnh vực y tế và nghiên cứu đưa vắc-xin phòng Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hậu Giang, phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Bà Lê Thị Thanh Lam đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và đồng ý dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Bà Lam nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đứt gãy, cuộc sống người dân gặp khó khăn, doanh nghiệp hoạt động ngưng trệ... Nhưng có thể thấy, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước đã đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; 9 tháng qua, Chính phủ đã hành động rất quyết liệt, đề ra những nhiệm vụ cơ bản, sát với tình hình thực tế.

Với những thành tựu đạt được, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hậu Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục phát huy và đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới để đất nước thêm phát triển bền vững.

Cụ thể và trước tiên, bà Lê Thị Thanh Lam nêu ý kiến: Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nước ta, Chính phủ cần chú trọng thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, phát triển đồng bộ hạ tầng và ưu tiên liên kết vùng để các địa phương liên kết với nhau, những vùng có lợi thế phát huy và kết nối lại thị trường trong nước, quốc tế.

Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, bổ sung các đối tượng yếu thế được thụ hưởng theo chính sách của Nghị quyết số 68, có đánh giá tác động qua việc hỗ trợ của người dân về sự thay đổi, chuyển biến, đánh giá tính hiệu quả của chính sách. Khẩn trương rà soát, nghiên cứu có thêm các chính sách an sinh xã hội kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Xem xét lại một số chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc… trong bối cảnh đất nước vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, cần tăng nguồn ngân sách nhà nước bố trí hàng năm cho lĩnh vực y tế; nghiên cứu đưa vắc-xin phòng Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc.

Bà Lê Thị Thanh Lam cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương; khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất, tạo điều kiện cho người lao động trở về quê hương lâu dài. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những trường hợp trục lợi chính sách và tuyên truyền sai quy định. Cần quan tâm và có đánh giá tâm lý con người sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong công tác từ thiện, sớm ban hành quy định trong lĩnh vực này để người tham gia không vi phạm và củng cố lòng tin trong Nhân dân.

Cũng liên quan đến đại dịch, đại biểu này đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn các vấn đề bất cập trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là những tác động của đại dịch đến kinh tế, an sinh xã hội của đất nước; tiếp tục đề ra những giải pháp hữu hiệu mang tính đột phá hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh; có kế hoạch đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động trong quá trình tìm việc, chuyển đổi nghề, giảm sức ép cho các địa phương trước làn sóng người lao động trở về quê ngày một đông, vì sau tác động của đại dịch người dân ảnh hưởng rất lớn về tinh thần, lo lắng và giảm năng suất lao động.

“Tôi đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo năm 2021 nội dung về khen thưởng, động viên kịp thời những tỉnh làm tốt công tác phòng dịch mà vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu chỉnh sửa một số nội dung của Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vì các tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin thấp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nên căn cứ vào thực tế bao phủ vắc-xin trong Nhân dân của từng tỉnh để đưa ra cấp độ “mở cửa” phù hợp”, bà Lê Thị Thanh Lam nói.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hậu Giang còn đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp thiết thực, hiệu quả để giúp các tỉnh bảo vệ thành quả phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu, sớm có báo cáo đánh giá về chất lượng dạy và học online; cần nghiên cứu trợ giá sách giáo khoa cho người dân do giá đang tăng… mà người dân hiện nay lại rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp.

TRÍ THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>