Vì sao Mỹ tìm kiếm giải pháp ngừng bắn ở Ukraine ?

02/06/2022 | 08:22 GMT+7

Giao tranh tại Ukraine đang diễn ra gay gắt và phần thắng đang nghiêng về phía Nga đã khiến Mỹ muốn có lệnh ngừng bắn.

Khói bụi bốc lên từ thành phố Severodonetsk do các cuộc pháo kích hôm 26-5. Ảnh: AFP

Những ngày qua, tình hình chiến sự ở Ukraine đã biến chuyển mau lẹ. Chỉ khoảng một tuần trước, giới lãnh đạo Ukraine tự tin rằng họ có thể đẩy lùi người Nga ra khỏi lãnh thổ của mình, nhưng giờ thì Ukraine đang đứng trước bất lợi lớn ở vùng Donbass - khu vực thuộc miền Đông nước này trải dài tới biển Azov và hơn thế nữa.

Theo người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) Leonid Pasechnik, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát khoảng 1/3 thành phố Severodonetsk, nhưng cuộc tấn công của họ diễn ra chậm hơn so với mong đợi.

Ông Pasechnik cho biết, giao tranh đã diễn ra dữ dội trong thành phố, song tốc độ tấn công của các lực lượng Nga không nhanh như kỳ vọng. “Nhưng trên hết, chúng tôi muốn duy trì cơ sở hạ tầng của thành phố”, ông Pasechnik bày tỏ quan điểm.

Quân đội Nga đã tiến vào Severodonetsk từ 3 hướng kể từ đầu tháng 5 trong một nỗ lực nhằm bao vây các lực lượng Ukraine tại chiến tuyến Severodonetsk - Lysychansk. Cuộc chiến giành lấy những thành phố này đang trở nên phức tạp hơn bởi các hệ thống phòng thủ dày đặc của Ukraine và một số cơ sở hóa chất lớn nằm trong khu vực. Người đứng đầu LPR chỉ ra rằng mục tiêu chính của lực lượng Nga hiện nay là giải phóng Severodonetsk và Lysychansk. Tại đây hiện có khoảng 10.000 binh lính Ukraine.

Severodonetsk nằm ở bờ Đông của sông Siverskyi Donets, cách biên giới Nga khoảng 145km về phía Nam. Gần đây, Severodonetsk đã trở thành tâm điểm của chiến dịch quân sự khi Nga tìm cách “giải phóng” toàn bộ khu vực Donbass còn Ukraine tăng cường chiến dịch phản công. Như vậy mặc dù chậm so với dự kiến nhưng chiến sự ở Ukraine lợi thế đang nghiêng về phía Nga.

Trước tình thế trên, Mỹ vừa đột ngột muốn có lệnh ngừng bắn trong bối cảnh diễn biến trên chiến trường Ukraine chuyển biến theo hướng có lợi cho Nga. Nhưng Nga không dễ chấp nhận theo đề xuất này. Theo đó, mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gọi cho người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, đề nghị ông Shoigu ủng hộ một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Vì sao Washington lại đột ngột muốn tìm kiếm một lệnh ngừng bắn tại Ukraine đến như vậy? Một phương án giải thích được cho là thuyết phục nhất chính là họ đã thấy rõ quân Nga đang chiếm ưu thế ở mặt trận Donbass và phía Ukraine khó lật ngược tình thế. Về phía Mỹ, dù đã nỗ lực hỗ trợ cho Ukraine nhưng khó thay đổi được tình thế. Đây được xem là nước cờ hòa hoãn để Ukraine và cả Mỹ tìm giải pháp khả thi cho cuộc chiến ở Ukraine.

Cần lưu ý rằng Mỹ vừa mới rút quân khỏi Afghanistan và ngay sau đó họ phải chứng kiến cảnh Taliban tuyên bố chiến thắng trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Do vậy, trước ván bài Ukraine Mỹ và đồng minh cần tính toán đến giải pháp hữu hiệu hơn nhằm giảm bớt thiệt hại cho Mỹ và cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong một động thái liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Charles Michel mới đây cho biết tại cuộc họp diễn ra ở Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cung cấp 9 tỉ euro cho Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này trong bối cảnh xảy ra xung đột.

Cùng thời gian này, Mỹ, châu Âu và các quốc gia liên quan gia tăng áp đặt các lệnh trừng phạt Nga. Mục tiêu của Mỹ, NATO và cả châu Âu muốn đánh mạnh vào kinh tế làm Nga suy yếu dần theo thời gian để họ từ bỏ cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Nga chưa có ý định ngừng tấn công Ukraine. Mặt khác, dù được viện trợ nhiều nhưng liệu Ukraine có thể trụ vững được trước những đợt tấn công liên tục của Nga? Đây là vấn đề đang được giới nghiên cứu quan tâm hiện nay.       

5 lĩnh vực kinh tế trọng yếu gồm: năng lượng, vận tải, thương mại, tài chính và các cá nhân chủ chốt do Mỹ, phương Tây và các nước áp đặt trừng phạt Nga cứ liên tục gia tăng theo thời gian đã làm cho Matxcơva gặp nhiều khó khăn. Đây được xem là biện pháp chính để làm suy yếu kinh tế Nga buộc Matxcơva từng bước nhượng bộ và rút quân khỏi Ukraine. Tuy nhiên, những biện pháp này hiện nay chưa thật sự phát huy hiệu quả.                         

                                                                               

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>