Venezuela kêu gọi cứu trợ khẩn cấp

17/01/2019 | 09:18 GMT+7

Lạm phát nghiêm trọng dẫn đến khủng hoảng kinh tế tồi tệ đã làm cho Venezuela rơi vào cảnh thiếu thốn mọi thứ cần phải cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. 

Người dân Venezuela. Ảnh: AFP  

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết, ông đang yêu cầu sự hỗ trợ đối với toàn bộ hệ thống lương thực, bởi đây là một trong những vấn đề mà Venezuela phải đối mặt trong hơn 3 năm qua kể từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Venezuela cũng một lần nữa phủ nhận các thông tin cho rằng, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra tại nước này, đồng thời chỉ trích những vấn đề về kinh tế mà đất nước gặp phải hiện nay là do các lệnh trừng phạt của Mỹ, gây ảnh hưởng tới nhập khẩu lương thực và thuốc men.

Mới đây, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho Venezuela về lương thực và y tế, khi quốc gia Mỹ Latinh này đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Điều phối viên LHQ tại Venezuela Peter Grohmann cho biết, cùng với sự phối hợp của LHQ, Venezuela có thể tìm kiếm các nguồn hỗ trợ bổ sung nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân. Chương trình lương thực thế giới cũng đã bày tỏ ý định hỗ trợ Venezuela.

Lời đề nghị hỗ trợ của LHQ đưa ra sau khi Tổng thống Nicolas Maduro chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, trong bối cảnh, đất nước đang phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát, dự kiến sẽ lên tới 10 triệu phần trăm trong năm 2019.

Thực tế, Venezuela đã rơi vào khủng hoảng toàn diện kéo dài nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát. Ngay khi Tổng thống Venezuela Maduro chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 10-1 (giờ Venezuela), ông đã vấp phải sự cô lập của khoảng 20 nước. Trong đó, 17 nước châu Mỹ Latinh, Mỹ và Canada đã cáo buộc chính quyền của ông là bất hợp pháp. Trong số này, Paraguay đã quyết định tiến một bước nữa, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Venezuela. Trong khi đó, Peru đã triệu hồi đại sứ của họ tại Caracas về nước và cấm 100 nhân viên chính quyền Maduro nhập cảnh vào nước này. Hiện chỉ còn vài nước quan hệ ngoại giao với quốc gia này, trong đó có Cuba và Bolivia.

Về phần mình, Venezuela cáo buộc chính Mỹ và các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã đẩy quốc gia này vào khủng hoảng. Mới đây, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez đã lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào 7 cá nhân và 23 thực thể của nước này, đồng thời cho rằng đó là hành động lạm dụng, độc đoán và bất hợp pháp của phía Mỹ. Bà Delcy Rodriguez khẳng định: “Những gì chúng tôi lên án là sự phong tỏa tài chính, kinh tế, thương mại chống lại đất nước Venezuela, gây ảnh hưởng đến người dân. Nó đã lấy đi những nhu cầu cần thiết nhất của người dân là thuốc men, thực phẩm. Điều này thật đáng lo ngại”.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Venezuela, liên quan đến mạng lưới trao đổi tiền tệ, với các cáo buộc tham nhũng hàng tỉ USD, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tài chính Venezuela Claudia Diaz và Giám đốc Cơ quan truyền thông tư nhân lớn nhất Venezuela Globovision Tele ông Raul Gorrin.

Giới quan sát cho rằng, Venezuela khủng hoảng toàn diện khó có thể được phục hồi cho dù LHQ có cứu trợ nhân đạo. Do vậy, sau khi nhậm chức, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng khó xoay chuyển tình thế hỗn độn ở quốc gia này.

Thu nhập của Venezuela phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu mỏ và 1/3 số lượng dầu thô được xuất sang Mỹ. Kinh tế Venezuela suy thoái một phần cũng bắt nguồn từ việc giá dầu thế giới giảm thấp. Tuy nhiên, phe đối lập Venezuela cáo buộc chính quyền ông Maduro kiểm soát phân phối lương thực và áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ đã gây ra cuộc khủng hoảng. Còn tổng thống Maduro cho biết chính quyền của ông đã bị ảnh hưởng bởi “cuộc chiến” kinh tế từ phe đối lập dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>