Triều Tiên muốn trở thành “cái nôi của hòa bình…”

29/10/2018 | 08:05 GMT+7

Bình Nhưỡng muốn biến bán đảo Triều Tiên thành “cái nôi của hòa bình và phồn thịnh” - thông điệp này đã được thượng tướng Kim Hyong-ryong nhấn mạnh tại Diễn đàn Hương Sơn diễn ra ở Bắc Kinh trong tuần qua.

Thiếu tướng Kim Do Gyun (trái), đại diện phái đoàn Hàn Quốc và Trung tướng A Ik San (phải), đại diện phái đoàn Triều Tiên, tại cuộc hội đàm quân sự ở tòa nhà Tongilgal của Triều Tiên, bên trong làng đình chiến Panmunjom ngày 26-10. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Ông Kim là tướng cấp cao đầu tiên của Triều Tiên dự Diễn đàn Hương Sơn, được xem là đối trọng với Đối thoại an ninh Shangri-la diễn ra vào tháng 6 hàng năm ở Singapore. Cũng tại diễn đàn này, Phó viện trưởng Viện Giải trừ quân bị và hòa bình thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Song Il-hyok kêu gọi Mỹ dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt, mô tả đó là những “biện pháp phá hủy lòng tin”, gây cản trở cho quá trình phi hạt nhân hóa.

Ông Song còn lập luận các biện pháp trừng phạt nên được dỡ bỏ vì tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã thay đổi, với quan hệ liên Triều được cải thiện đáng kể theo sau 3 cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên diễn ra ở Singapore hồi tháng 6.

Thực tế thời gian gần đây quan hệ hợp tác liên Triều có nhiều tiến triển trên các lĩnh vực quân sự, văn hóa, thể thao, kinh tế, do Hàn Quốc, Triều Tiên thực hiện các thỏa thuận đã ký tại các cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 nước. Mới đây nhất, ngày 26-10, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí về tiến độ rút các trạm gác tại khu vực biên giới chung trên cơ sở thử nghiệm vào trước cuối tháng 11 tới. Thỏa thuận đạt được sau cuộc đối thoại quân sự cấp tướng diễn ra ở làng đình chiến Panmunjom. Phái đoàn quân sự của hai bên đã thông qua tuyên bố chung sau cuộc họp, theo đó Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí rút binh sĩ và các thiết bị, đồng thời dỡ bỏ hoàn toàn 11 trạm gác của mỗi bên trước cuối tháng 11 tới. Hai miền Triều Tiên cũng nhất trí thành lập nhóm khảo sát điều tra chung khu vực cửa sông Hàn. Đây được coi là một biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho tàu bè qua lại khu vực này.

Thiếu tướng Kim Do-gyun dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc, cho biết: “Thông qua việc thực hiện thỏa thuận quân sự ngày 19-9, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên mà Ủy ban quân sự liên Triều sẽ đóng vai trò then chốt. Qua cuộc đàm phán quân sự hôm nay, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá tạm thời những gì chúng tôi đã thực hiện và thảo luận những việc sẽ làm trong tương lai”.

Trước đó, hai miền Triều Tiên và Bộ Chỉ huy của Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã hoàn tất tiến trình giải giáp vũ khí tại Khu vực an ninh chung (JSA) bên trong Khu vực phi quân sự. Theo đó, các bên đã hoàn tất việc rút các chốt gác quân sự, vũ khí và binh sĩ có vũ trang khỏi Khu vực an ninh chung, khu vực vốn chia tách hai miền. Đây là bước tiến đột phá bởi một khi hoàn thành tiến trình giải giáp vũ khí tại Khu vực an ninh chung, người dân hai miền Triều Tiên và du khách nước ngoài sẽ được phép qua ranh giới quân sự từ 9h sáng đến 17h trong ngày.

Hòa chung xu hướng quan hệ liên Triều được cải thiện, chính quyền các địa phương ở Hàn Quốc cũng muốn đẩy mạnh trao đổi và các dự án hợp tác với Triều Tiên. Quan chức tỉnh Busan, thành phố Sejong vừa trở về từ chuyến thăm Triều Tiên, bày tỏ ủng hộ hợp tác liên Triều trên các lĩnh vực hậu cần cảng biển, tài chính, công nghệ thông tin, phim ảnh. Vào ngày 25-10, đội tuyển bóng đá trẻ Triều Tiên đã đến Hàn Quốc bằng đường bộ để dự Cúp Ari lần thứ 5, một giải bóng đá trẻ quốc tế…

Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, nếu tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sớm được hiện thực hóa, các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng có thể sớm được gỡ bỏ. Theo quan chức này, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rõ rằng, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt sẽ phải gắn rất chặt với tiến trình phi hạt nhân hóa.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>