Triều Tiên chỉ trích “thái độ nước đôi” của Mỹ

31/08/2018 | 09:16 GMT+7

Mặc dù Triều Tiên đã có nhiều động thái thiện chí giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ lại tỏ “thái độ nước đôi” chưa chịu tiến hành các bước đàm phán tiếp theo để lập lại hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Điều này làm dấy lên quan ngại đàm phán hòa bình nơi đây sẽ gặp nhiều khó khăn.

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung trên đảo Baekryeong, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Mới đây, Triều Tiên đã chỉ trích các cuộc tập trận bí mật của Mỹ xung quanh bán đảo Triều Tiên, hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng theo kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và tuyên bố sẽ để ngỏ các cuộc tập trận tại bán đảo Triều Tiên… đã làm cản trở tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa, khiến nhiều quốc gia quan tâm.

Tuần báo Tongil Shinbo của Triều Tiên đã tuyên bố, Washington có thái độ “nước đôi” đối với Bình Nhưỡng khi đồng thời tổ chức đối thoại và tiến hành các cuộc tập trận nhằm “lật đổ chính quyền Triều Tiên”. Theo đó, gần đây Mỹ đã bí mật tổ chức các cuộc tập trận trên bờ biển phía Nam Hàn Quốc và ở Nhật Bản. Triều Tiên cho rằng: “Chính quyền Mỹ thường rao giảng hòa bình và ổn định trên thế giới và trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đó chỉ là một trò giễu cợt dư luận trong và ngoài nước. Mỹ vẫn có âm mưu lật đổ chính quyền các nước khác bằng sức mạnh quân sự”.

Giới quan sát cho rằng bên cạnh chỉ trích tập trung vào các hoạt động quân sự của Mỹ, Triều Tiên đã gián tiếp thể hiện sự mất niềm tin của mình đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vụ việc càng “nóng” hơn khi mới đây, Washington tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt việc đình chỉ các cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên làm dấy lên quan ngại Mỹ sẽ quay lại quỹ đạo cũ tiếp tục tập trận với Hàn Quốc và những quốc gia lân cận như trước khi đàm phán. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nêu rõ quyết định tạm đình chỉ các cuộc tập trận là “một biện pháp thiện chí” sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua. Còn hiện tại Washington không có ý định duy trì biện pháp này nữa vì “chưa cảm thấy có đủ tiến triển liên quan đến phi hạt nhân hóa”. Tuy nhiên, ông Mattis khẳng định Mỹ chưa tiến hành tập trận trở lại mà “đang xem các cuộc đàm phán diễn biến thế nào”.

Phản ứng trước thông tin một đơn vị đặc nhiệm của Mỹ đóng quân tại Nhật Bản đang tiến hành một cuộc tập trận trên không nhằm xâm nhập Bình Nhưỡng, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Seoul cho biết ông không nắm được thông tin về cuộc tập trận mà báo Rodong Sinmun đề cập; đồng thời chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh này, cả Washington và Bình Nhưỡng vẫn đang tìm cách thu hẹp những bất đồng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi Bình Nhưỡng kêu gọi đưa ra một tuyên bố hòa bình như một phần các biện pháp đảm bảo an ninh nhằm khuyến khích Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo thì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho rằng một thỏa thuận hòa bình hay bất cứ sự nhượng bộ nào chỉ có thể đạt được sau khi tiến trình phi hạt nhân hóa đạt được thêm bước tiến tích cực.

Giới phân tích nhận định, những động thái lập lờ gần đây của Mỹ có thể làm phức tạp thêm các cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ và có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy mối quan hệ liên Triều.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>