Trì hoãn Brexit tới bao giờ ?

12/04/2019 | 06:32 GMT+7

Cả Anh và EU đều có quyết định sẽ trì hoãn Brexit nhưng chưa thỏa thuận ấn định được thời gian cụ thể.

Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Anh. Nguồn: AFP/TTXVN

Mới đây, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất của Thủ tướng May đối với EU về việc hoãn Brexit tới ngày 30-6, với tỷ lệ 420 phiếu thuận và 110 phiếu chống. Động thái này được đánh giá là sự đồng thuận bước đầu giữa Hạ viện Anh với bà May sau nhiều tranh cãi về Brexit. Tuy nhiên, đề xuất lùi thời gian Brexit của Anh phải được 27 nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đồng thuận thì mới có hiệu lực.

Liên quan đến đề xuất trì hoãn Brexit của Anh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng, dù Thủ tướng May chỉ đề xuất trì hoãn Brexit đến ngày 30-6, song những diễn biến gần đây trên chính trường Anh cho thấy “rất ít lý do để tin rằng” Hạ viện Anh sẽ thông qua thỏa thuận “ly hôn”. Tuy nhiên, ông Donald Tusk cũng đã hối thúc các lãnh đạo EU cho phép Anh trì hoãn tiến trình Brexit.

Trong một động thái liên quan, các nhà lãnh đạo EU cũng đã nhất trí lùi thời hạn Brexit đến ngày 31-10 sau nhiều tranh luận gay gắt giữa các nhà lãnh đạo EU. Theo đó, có 2 quan điểm được đưa ra là gia hạn thời gian Brexit 1 năm nữa và gia hạn thời gian này đến cuối tháng 10. Cuối cùng, các bên nhất trí chọn mốc 31-10 làm ngày Anh rời khỏi EU. Đây là lần thứ 2 EU đồng ý gia hạn ngày Brexit, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong trường hợp Brexit cứng. Tuy nhiên, đề xuất này còn phải chờ được Anh chấp thuận.

Nếu Thủ tướng May chấp nhận việc gia hạn trên, nước Anh vẫn sẽ tiếp tục ở lại trong EU tới sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), dự kiến diễn ra vào ngày 22-5 tới. Vì thế, Anh sẽ phải tham gia vào toàn bộ tiến trình này. Ông Tusk cũng khẳng định bất kỳ sự gia hạn nào cũng cần phải có những điều kiện nghiêm ngặt, như không mở lại thỏa thuận đàm phán đã được Thủ tướng May và các lãnh đạo EU ký kết hồi tháng 11-2018 cũng như cam kết từ London rằng vẫn sẽ “hợp tác chân thành” với EU trong quá trình gia hạn Brexit.

Mặc dù một lần nữa thỏa thuận Brexit được gia hạn nhưng giới quan sát nhận định tiến trình này vẫn còn lắm gian nan cả đối nội lẫn đối ngoại. Về đối nội, hiện phần lớn người dân Anh không muốn rời khỏi EU vì những quyền lợi riêng. Họ đòi trưng cầu dân ý lần hai để Anh không rời khỏi EU. Nếu tình huống này diễn ra đồng nghĩa với việc tiến trình Brexit sẽ quay lại từ đầu và có nhiều khả năng sẽ không có Brexit. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố bà không thay đổi lập trường phản đối tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Anh rời EU. Bà May cho rằng: “Quan điểm của tôi về một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai và lập trường của chính phủ không hề thay đổi. Hạ viện đã hai lần từ chối tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Bây giờ khi chúng ta đang đi đến một thỏa thuận thì cần đảm bảo rằng, Hạ viện sẽ thực thi đúng theo luật pháp. Tất nhiên, sẽ có một số nghị sĩ muốn thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai trong tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Brexit, nhưng quan điểm của tôi không thay đổi”. Trong khi đó, Nội các Anh cũng còn quá nhiều bất đồng quan điểm về Brexit.

Về đối ngoại, Anh và EU vẫn còn những bất đồng trong thỏa thuận Brexit mặc dù đã có ký kết thỏa thuận mềm hồi năm 2018. Trong đó, đáng quan tâm là giải pháp nhằm ngăn chặn một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, vấn đề thuế quan, đi lại của người dân Anh với các nước EU và ngược lại… Chính những điều này đã làm cho tiến trình Brexit gặp khó.

Từ những diễn biến trên, giới quan sát cho rằng tiến trình Brexit sẽ còn lắm gập ghềnh, chông gai. Nhiều người còn nghi ngờ đặt câu hỏi Brexit sẽ còn trì hoãn đến bao giờ?

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>