Tổng thống Erdogan và những khó khăn phía trước

03/07/2018 | 08:07 GMT+7

Theo quy định, kết quả bầu cử sẽ được Ủy ban bầu cử quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ chính thức công bố vào ngày 5-7-2018. Tuy nhiên, đến nay có thể khẳng định được Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đã giành được thắng lợi.

Ông Erdogan vừa tái đắc cử vị trí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bầu cử sớm với hơn 52,6% số phiếu ủng hộ. Ảnh: AP

Kết quả kiểm phiếu cho biết, ông Erdogan đã giành được hơn 52,6%, đảng AKP của ông giành được 42,5% số phiếu. Đối thủ chính của ông Erdogan, ứng viên của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) Muharrem Ince đã thất bại với số phiếu ủng hộ 30,6%. Các đảng còn lại gồm đảng Phong trào Dân tộc (MHP) giành được 11%, đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) 23% và đảng Dân chủ Nhân dân Kurdistan (HAED) 11%.

Phát biểu trên lan can ban công tòa nhà trụ sở đảng Công lý và Phát triển (AKP) trước cuộc mít-tinh của hàng ngàn người ủng hộ ông, Tổng thống đắc cử Erdogan hứa sẽ “tiếp tục cải cách và củng cố vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục đấu tranh với kẻ thù bên trong và bên ngoài và tăng cường chiến dịch chống lại các chiến binh người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong nước, vấn đề khó khăn nhất đối với ông Erdogan là làm sao dung hòa được mối quan hệ với các lực lượng đối lập. Các lực lượng này chắc chắn sẽ là lực cản trong việc triển khai chính sách của ông Erdogan. Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý đã đồng ý sửa đổi Hiến pháp từ thể chế nghị viện sang chế độ Tổng thống, nhưng sắp tới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ phải sửa đổi một loạt luật pháp để phù hợp với thể chế mới. Các lực lượng đối lập không dễ gì chấp nhận sửa đổi các bộ luật hiện hành.

Do không giành được đa số phiếu, đảng AKP buộc phải liên minh với đảng Phong trào Dân tộc (MHP) có quan điểm bảo thủ cực đoan để chiếm được đa số trong Quốc hội mới đủ quyền đứng ra thành lập chính phủ. Liên minh này sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ đi theo đường lối cực đoan.

Vấn đề người Kurd là vấn đề đau đầu của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ hàng chục năm nay. Cuộc tấn công chống người Kurd ở miền Bắc Syria và miền Bắc Iraq có thể gây ra phản ứng đáp trả của đảng Công nhân người Kurd (PKK) bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang bên bờ khủng hoảng, lạm phát 10,2%, đồng Lire mất giá 35%, thất nghiệp 19,8%, nợ công 438 tỉ USD, chiếm gần 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)... là những vấn đề đang chờ đợi giải pháp của ông Erdogan.

Về đối ngoại, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa được mối quan hệ căng thẳng với Mỹ và châu Âu ra khỏi tình trạng khủng hoảng, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các thành viên của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trước hết là với Nga và Iran?

Tại Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố, giải pháp Syria, vấn đề người tị nạn Syria, cải thiện quan hệ căng thẳng với Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Israel... sẽ là những vấn đề nóng đối với ông Erdogan.

Thắng lợi của Tổng thống Erdogan sẽ tạo cơ hội để tổ chức lại cơ cấu chính trị, đặt dấu ấn mới trong quan hệ khu vực và quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, với hàng tá thách thức như trên liệu ông Erdogan có thực hiện được những mục tiêu của mình?

Cuộc bầu cử năm 2018 hoàn toàn khác với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2014. Cuộc bầu cử lần này ở Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức trước thời hạn một năm rưỡi sau cuộc trưng cầu ý dân về thay đổi Hiến pháp, tăng thêm quyền lực cho Tổng thống.

Trước đây, chức vụ Tổng thống chỉ mang tính chất nghi lễ, còn bây giờ theo Hiến pháp mới sửa đổi, hầu hết quyền lực đều nằm trong tay Tổng thống, kể cả quyền hành pháp, tức là ông Erdogan sẽ kiêm luôn cả chức vụ Thủ tướng.

Trước đó, năm 2016, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra cuộc đảo chính hụt nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Sau đảo chính thất bại, Tổng thống Erdogan đã tìm cách tập trung mọi quyền lực vào tay mình. Từ đó đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>