Tình hình chính trị bất ổn tại Venezuela: Nhiều quốc gia vào cuộc

29/03/2019 | 06:18 GMT+7

Cùng lúc tồn tại hai tổng thống nên các phe đối lập quyết liệt chống đối lẫn nhau gây ra nội chiến ở Venezuela đẫm máu dẫn đến nhiều quốc gia liên quan vào cuộc.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tham gia cuộc tuần hành ủng hộ Chính phủ ở Caracas ngày 23-2-2019. Ảnh: THX/TTXVN

Mới đây, Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez thông báo một vụ cháy lớn vào đêm 25-3 làm hư hại một số trạm phát điện trung tâm ở Nhà máy điện Guri lớn nhất nước này đã ảnh hưởng tới nhiều địa phương trên cả nước. Chính phủ Venezuela buộc phải tuyên bố tạm dừng các hoạt động tại các công sở, trường học và dịch vụ công cộng trên cả nước cho tới ngày 27-3.

Ông Rodriguez cho biết các đối tượng tội phạm có liên quan tới các nhóm đối lập cực đoan là thủ phạm gây ra vụ hỏa hoạn trên nhằm gây hỗn loạn xã hội và lật đổ chính quyền. Hai vụ tấn công liên tiếp trong ngày là minh chứng cho thấy phe đối lập cực đoan “không có giới hạn” trong âm mưu gây bất ổn tình hình.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Venezuela Tarek William Saab thông báo cơ quan chức năng nước này đã bắt giữ được 6 đối tượng tình nghi tham gia vụ phá hoại Nhà máy điện Guri. Cơ quan an ninh Venezuela đang tiếp tục mở rộng điều tra để xác định những kẻ đứng đằng sau các “hành động khủng bố” này.

Tình hình căng thẳng tại Venezuela do các phe phái đối lập chống đối nhau cứ gia tăng theo thời gian đã dẫn đến việc nhiều quốc gia liên quan vào cuộc. Dưới sự kêu gọi của Chính phủ hợp hiến Venezuela, Nga đưa hai máy bay chở theo một quan chức quốc phòng cùng gần 100 binh sĩ Nga tới quốc gia này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Matxcơva đang “tăng cường hợp tác với Venezuela, tuân thủ nghiêm ngặt Hiến pháp cũng như hoàn toàn tôn trọng các quy tắc pháp lý của nước này”. Bà Zakharova cũng cho hay “sự hiện diện của các chuyên gia Nga trên lãnh thổ Venezuela được quy định theo một hiệp ước giữa chính phủ hai nước Nga và Venezuela về hợp tác quân sự và kỹ thuật, ký kết vào tháng 5-2001”.

Phó Chủ tịch đảng Xã hội chủ nghĩa Venezuela, ông Diosdado Cabello cũng đã xác nhận 2 máy bay của Nga đã đến nước này. Ông cũng khẳng định, những chiếc máy bay này đến Venezuela với sự đồng ý của chính phủ duy nhất hợp hiến tại Venezuela.

Tuy nhiên, Mỹ cáo buộc Nga làm gia tăng căng thẳng bằng việc triển khai máy bay quân sự và quân nhân đến quốc gia Nam Mỹ này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Nga làm trầm trọng căng thẳng trên khắp Venezuela, thông qua sự hiện diện quân đội của Nga tại quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời cảnh báo rằng Washington sẽ không “để yên”.

Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga ở Venezuela. Để có hiệu lực, dự luật này cần phải được Thượng viện Mỹ thông qua và được Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn.

Tình hình Venezuela gia tăng căng thẳng sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự phong là tổng thống lâm thời quốc gia Nam Mỹ này và nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia, như: Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Hà Lan, Ba Lan và Mỹ. Ngược lại, Nga và một số quốc gia ủng hộ Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro. Nên chính trường Venezuela càng trở nên rối rắm hơn.

Tuần trước, các quan chức Nga và Mỹ đã có cuộc gặp tại Rome để thảo luận về tình hình Venezuela, nhưng hai bên vẫn còn chia rẽ về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nga lo ngại rằng, Mỹ đang cân nhắc can thiệp quân sự vào Venezuela. Mỹ thì cho rằng nước này đang tập trung vào các nỗ lực ngoại giao và kinh tế nhằm lật đổ Tổng thống Maduro. Tuy nhiên, mới đây Mỹ đã tuyên bố không sử dụng vũ lực mà chọn giải pháp hòa bình cho Venezuela. Ông Trump đã lên tiếng kêu gọi Nga cần rút quân khỏi Venezuela, đồng thời cảnh báo mọi giải pháp đều được để ngỏ nhằm buộc Nga thực hiện điều này.

Không can thiệp bằng quân sự, tìm giải pháp hòa bình cho Venezuela là vấn đề cần được các quốc gia quan tâm hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>