Pháp tiếp tục “nóng” vì biểu tình

14/01/2019 | 07:48 GMT+7

Khoảng 84.000 người đã xuống đường trong cuộc biểu tình cuối tuần thứ 9 liên tiếp chống lại các chương trình cải cách kinh tế của Chính phủ Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron.

Hỏa hoạn bùng lên sau vụ nổ tại tiệm bánh Hubert. Ảnh: REUTERS

Nhiều người biểu tình tập trung xung quanh đại lộ Champs Elysees và lớn tiếng kêu gọi Tổng thống Macron từ chức. “Macron, chúng tôi sẽ phá bỏ vị trí của ông”, nhóm biểu tình viết trên một tấm bảng.

Bộ Nội vụ ước tính có tối đa khoảng 84.000 người biểu tình xuống đường trên toàn nước Pháp trong ngày 12-1 - nhiều hơn 50.000 người được tính vào tuần trước nhưng thấp hơn kỷ lục 282.000 người so với ngày 17-11-2018, ngày đầu tiên của cuộc biểu tình.

Trong ngày biểu tình cuối tuần thứ 9 liên tiếp, không xảy ra các vụ cướp bóc hay đốt xe như đã thấy trong những tuần trước và giao thông không bị chặn quanh khu vực Khải Hoàn Môn. Tuy nhiên, có một vụ nổ lớn ở trung tâm thủ đô Paris vào khoảng 9 giờ sáng 12-1 (giờ địa phương).

Cảnh sát cho biết có ít nhất 2 người thiệt mạng, đều là lính cứu hỏa. Ngoài ra, có hơn 30 người bị thương trong khi nhiều xe hơi và các tòa nhà lân cận bị phá hủy do vụ nổ trên đường Rue de Trévise thuộc quận 9. Trong số nạn nhân bị thương có nhiều lính cứu hỏa.

Cảnh sát nghi ngờ đã xảy ra một vụ rò rỉ gas tại tiệm bánh Hubert. Theo Báo Le Parisien, tiệm bánh Hubert không mở cửa khi vụ nổ xảy ra. Trước vụ nổ, có tin báo rò rỉ gas trong tòa nhà và lính cứu hỏa đã có mặt để xử lý.

Có mặt tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Christophe Castaner thông báo tình hình đã được kiểm soát.

Reuters cho hay nhiều trực thăng đáp xuống cạnh hiện trường để đưa người bị thương đi cấp cứu. Cảnh sát yêu cầu người dân tránh xa khu vực để lực lượng cấp cứu tiếp cận. Có tới 200 lính cứu hỏa có mặt ứng cứu.

Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh đối với những người biểu tình quá khích, đồng thời kêu gọi đối thoại để xoa dịu căng thẳng. Cùng ngày, chính phủ triển khai lực lượng an ninh 80.000 người sẵn sàng đợi lệnh. Riêng ở thủ đô Paris, hàng loạt xe bọc thép và 5.000 cảnh sát được điều động để ứng phó 32.000 người biểu tình. Trước đó, Paris đã nhiều lần trải qua tình trạng bạo lực và đốt phá nặng nề kể từ khi phong trào biểu tình Áo phản quang vàng bùng nổ hồi tháng 11-2018.

Ngoài Paris, các thủ lĩnh Áo phản quang vàng còn tổ chức biểu tình tại TP.Bourges, miền Trung nước Pháp, nhằm mở rộng phong trào. Chính quyền địa phương đã ra lệnh cấm tụ tập tại trung tâm thành phố và đóng cửa tất cả tòa nhà công cộng nhưng vẫn có 1.200 người xuống đường. Thị trưởng Pascal Blanc cho biết các ngân hàng, công ty trong thành phố đã gia cố cửa nẻo, đề phòng nguy cơ bị phá hoại và hôi của.

“Bất kỳ ai kêu gọi biểu tình biết rõ sẽ có bạo lực và những người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cảnh báo. Trước đó, trả lời phỏng vấn trên Đài TF1, Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm trừng phạt những kẻ gây bạo động nhưng cam kết bảo đảm quyền tự do biểu tình của người dân. Theo Reuters, đến nay đã có ít nhất 6 người thiệt mạng, 1.400 người bị thương, gần 500 cửa hàng bị phá hoại và hơn 1.000 người bị truy tố sau các vụ bạo động.

Phong trào Áo phản quang vàng ban đầu lên án kế hoạch áp thuế môi trường vào nhiên liệu, khiến giá xăng dầu tăng cao, rồi dần chuyển sang phản đối những chính sách khác của Tổng thống Macron. Chính phủ đã đưa ra một số cam kết như tăng lương tối thiểu và không tăng thuế xăng dầu trong năm 2019 nhưng chưa thể xoa dịu biểu tình. Tổng thống Macron tiếp tục kêu gọi toàn dân thảo luận, đóng góp ý kiến vào tuần này, trong khi phong trào Áo phản quang vàng ra yêu sách nhà lãnh đạo phải từ chức hoặc tiến hành trưng cầu dân ý về tín nhiệm tổng thống.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>