Nỗ lực ứng phó giảm nhẹ thiên tai

15/10/2018 | 08:16 GMT+7

Việc thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và nhanh hơn so với kịch bản đã dự báo là thực tế mà thế giới đang phải đối mặt. Vì vậy cần có những giải pháp mang tính phối hợp, tích cực hơn để ứng phó giảm nhẹ thiên tai.

Do ảnh hưởng của bão trong tháng 7, mưa lớn tại nhiều tỉnh của Nhật Bản đã nhấn chìm nhà cửa và đường sá trong biển nước.

Trong năm nay, sau mùa hè khắc nghiệt với tình trạng nắng nóng kỷ lục gây hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng, thế giới tiếp tục hứng chịu hàng loạt siêu bão. Chỉ trong ngày 11-10, bão lũ đã đe dọa tính mạng của người dân tại 3 quốc gia khác nhau trên thế giới. Bang Florida của Mỹ đã phát lệnh sơ tán gần 400.000 người khi siêu bão Michael mạnh thứ 3 trong lịch sử Mỹ đổ bộ vào đất liền nước này, tấn công các thị trấn duyên hải bang Florida, cướp đi sinh mạng của 7 người, xóa sổ hoàn toàn bãi tắm du lịch nổi tiếng Mexico Beach.

Cũng trong ngày 11-10, ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong vụ sạt lở đất do mưa lớn tại thị trấn vùng núi Marquetalia ở miền Trung Colombia.

Cùng ngày, Ấn Độ đã phải đóng cửa toàn bộ trường học tại 5 huyện ven biển, đồng thời sơ tán khẩn cấp hơn 300.000 người dân tại khu vực miền Đông nước này trước khi cơn bão Titli với sức gió lên tới hơn 125km/h đổ bộ, mang theo mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng, khiến 5 người thiệt mạng.

Trong khi đó, chỉ trong vòng 1 tháng qua, Nhật Bản phải liên tiếp hứng chịu 3 siêu bão Jebi, Trami, Kongrey mạnh nhất trong hàng chục năm đổ bộ vào nước này, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và khiến hàng triệu người phải sơ tán.

Tháng 9-2018, cơn bão Mangkhut mạnh nhất trong năm 2018 với sức gió lên tới 270km/h đã khiến hơn 100 người thiệt mạng tại Philippines và Trung Quốc.

Tại khu vực ASEAN, hầu hết các nước nằm ở khu vực địa lý có nguy cơ cao về thiên tai. Ngoài những thảm họa thiên nhiên diễn ra thường xuyên như bão nhiệt đới, lũ lụt, những nước như Indonesia, Philippines còn nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, một khu vực địa chất không ổn định dễ xảy ra những trận động đất lớn, hay núi lửa phun trào. Theo thống kê, giai đoạn 2004-2014, khu vực ASEAN chiếm hơn 1 nửa tổng số thương vong do thiên tai toàn cầu. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới 91 tỉ USD.

Thực tế từ sau thảm họa động đất sóng thần cuối năm 2004, ASEAN đã triển khai các biện pháp hướng đến một phản ứng phối hợp thống nhất trước thảm họa thiên nhiên. Trong đó phải kể đến sự thành lập của Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo trong Quản lý Thiên tai (Trung tâm AHA), Nhóm Đánh giá Cứu trợ Khẩn cấp, đều do Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai điều hành. Ngoài ra còn có Mạng lưới Thông tin Thảm họa ASEAN, cung cấp cơ sở dữ liệu cập nhật tất cả các thảm họa thiên tai trong khu vực.

Nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới vừa triển khai quỹ đầu tư mới trị giá 150 triệu USD, có tên là Trung tâm Tài chính Giảm thiểu nguy cơ toàn cầu (GRiF), được thành lập với sự đóng góp tài chính của Đức và Anh. Nguồn tài chính của GRiF sẽ được chi cho các hạng mục bảo hiểm thiên tai, một số cơ chế chống lại rủi ro, và các khoản hỗ trợ sẽ được giải ngân ngay lập tức trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Trong khi đó, Tại Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) tổ chức tại Hà Nội mới đây, Chính phủ Việt Nam cam kết, trong giai đoạn 2021-2030 sẽ giảm ít nhất 8% phát thải biến đổi khí hậu và nếu được sự hỗ trợ của quốc tế, tỷ lệ này có thể lên 25%.

 Israel cũng vừa trở thành quốc gia tiếp theo công bố kế hoạch loại bỏ các xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại đất nước này. Các công dân Israel sẽ không được mua xe mới chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2030. Trước đó, Na Uy đã lên kế hoạch cấm bán các xe mới chạy bằng xăng và dầu diesel trước năm 2025. Hà Lan ban hành lệnh cấm tương tự trước năm 2030. Pháp và Anh cũng đồng ý loại bỏ loại xe này trước năm 2040. Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, cũng công bố ý định cấm các loại xe này.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Bộ Môi trường các nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí về mức cắt giảm 35% lượng khí thải CO2 đối với ô tô vào năm 2030.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>