Liệu Thủ tướng Anh có từ chức ?

26/04/2019 | 08:01 GMT+7

Brexit cứ lần lữa vì không đạt được đồng thuận trong Nội các Anh đã tạo sức ép khiến Thủ tướng Anh Theresa May lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Sky News

Ngoài Đảng đối lập phản đối, trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May hiện cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi người đứng đầu Chính phủ Anh. Điều này đồng nghĩa với việc hoặc là bà May phải từ chức để nhường ghế thủ tướng hoặc là phải gánh chịu một cuộc trưng cầu dân ý bất tín nhiệm mới để bãi miễn chức vụ thủ tướng. Cho dù tình huống nào xảy ra thì bất lợi vẫn đè nặng lên bà May.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự cố trên được cho là do tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit do bà May trực tiếp lãnh đạo đàm phán đang diễn ra theo chiều hướng xấu, với liên tục gia hạn thời gian Brexit. Từ đó làm cho cả Nội các và người dân Anh mất lòng tin. Mặt khác, theo kế hoạch trong tháng 5 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử trong EU, mặc dù khả năng Anh tham gia các cuộc bầu cử châu Âu sắp tới vẫn chưa rõ ràng, song một số đảng phái, trong đó có đảng mới được thành lập mang tên “Thay đổi nước Anh”, có tư tưởng chống Brexit cũng đang rậm rịch chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.

Hiện đảng Thay đổi nước Anh, do những nhân vật “nổi loạn” trong cả đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập thành lập đã công bố danh sách các ứng cử viên tại thành phố Bristol, miền Tây nước Anh. Những cái tên được nêu trong danh sách này khá đa dạng, thuộc đủ thành phần từ nghị sĩ Bảo thủ Rachel Johnson đến cựu Ngoại trưởng Boris Johnson ủng hộ Brexit cứng hay cựu phóng viên BBC Gavin Esler...

Lãnh đạo lâm thời đảng Thay đổi nước Anh Heidi Allen tuyên bố: “Với một Quốc hội bế tắc và các cuộc bầu cử châu Âu đang tới gần, chúng tôi đã sẵn sàng. Bởi những cuộc bỏ phiếu này là cơ hội để gửi đi thông điệp rõ ràng nhất. Chúng tôi yêu cầu một cuộc bỏ phiếu của nhân dân và mọi người vẫn có quyền lựa chọn ở lại EU”.

Còn trong đảng Bảo thủ, cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi người đứng đầu chính phủ đang trở nên cấp bách hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, việc yêu cầu bà Theresa May từ chức ngay lập tức chỉ có thể đạt được nếu Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ thông qua một sửa đổi về quy tắc. Bởi lẽ theo quy định, cuộc trưng cầu dân ý bất tín nhiệm giữa hai lần phải có thời gian ít nhất 1 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp có nhiều hơn 65 nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ ở các địa phương ký đơn kiến nghị yêu cầu tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm, một cuộc họp toàn thể bất thường phải được triệu tập.

Còn nhớ, hồi tháng 12-2018, bà May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng, đồng nghĩa với việc bà có thêm thời hạn 12 tháng trước khi có thêm bất kỳ nỗ lực mới nào hòng buộc bà phải từ chức.

Trước đó, hơn 70 nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ tại các địa phương ở Anh đã ký đơn kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc họp toàn thể bất thường, trong đó chức vụ của Thủ tướng May đứng đầu chương trình nghị sự. Nếu bà May không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này, cuộc họp toàn thể sẽ buộc Ủy ban 1992 gồm các nghị sĩ đảng Bảo thủ phải tìm cách yêu cầu Thủ tướng May rời nhiệm sở. Hơn 800 thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ, trong đó có những nhà lãnh đạo đảng ở địa phương, sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu này.

Giới phân tích cho rằng, đứng trước sức ép nặng nề từ nhiều phía, nhiều khả năng Thủ tướng Anh Theresa May sẽ từ chức. Tuy nhiên kết quả cuối cùng vẫn còn tùy thuộc vào cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tới đây.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>