Liên Hiệp Quốc thiếu tiền để cứu trợ nhân đạo

01/07/2022 | 10:22 GMT+7

Thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh liên tục xảy ra đã làm cho nạn đói có nguy cơ lan rộng ra nhiều quốc gia nên rất cần một nguồn kinh phí lớn để cứu trợ nhân đạo.

Phụ nữ và trẻ em Syria tại trại tị nạn ở Sahel. Ảnh: AFP

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), mới đây cho biết hiện tổ chức này mới chỉ huy động được 15% trong tổng số tiền 3,8 tỉ USD cần để triển khai kế hoạch viện trợ nhân đạo cho 30 triệu người tại khu vực Sahel (gồm 9 quốc gia Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan và Eritrea).

Ông Dujarric nhấn mạnh số người cần viện trợ hiện cao hơn gần 2 triệu người so với cách đây một năm. Dự báo từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, hơn 18,6 triệu người - chiếm 15% trong tổng dân số khu vực Sahel - sẽ lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Trong số này, có 2,1 triệu người phải chịu cảnh mất an ninh lương thực ở mức khẩn cấp.

Ông Dujarric cho biết thêm LHQ ghi nhận hơn 6,3 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột vũ trang. Nhiệt độ tăng hơn 1,5 lần so với mức tăng nhiệt trung bình toàn cầu đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này. Ngoài ra, trong giai đoạn 2015-2021, số lượng các trận lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tăng gần 2 lần.

Tháng trước, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) Martin Griffiths đã giải ngân 30 triệu USD trong Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF) để nâng quy mô viện trợ nhân đạo tại khu vực Sahel lên gần 100 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên quỹ khẩn cấp này được sử dụng để “kích hoạt” các biện pháp ứng phó và không thể thay thế được những khoản đóng góp của các nhà tài trợ.

Không chỉ châu Phi mà nạn đói đã và đang hiện hữu ở nhiều quốc gia thuộc các châu lục khác. Chương trình Lương thực thế giới ước tính năm 2022 sẽ có tới 345 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới (PAM/WFP), ông David Beasley, cho biết cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực hiện nay là ở mức độ ‘‘chưa từng có’’. Hiện có khoảng 43 quốc gia đang đối diện nạn đói, với số người tăng vọt từ khoảng 80 triệu người trước đại dịch Covid-19 thành 135 triệu người. Trước cuộc giao tranh Nga - Ukraine, thế giới có khoảng 276 triệu nạn nhân bị đói. Từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra con số này đã tăng lên 323 triệu người. Những con số trên là người dân ở ngưỡng cửa chết vì đói. Còn tình trạng đói ăn nói chung có thể đe dọa đến 1,5 tỉ người, thậm chí một phần ba dân số Trái đất.

Vẫn theo Giám đốc điều hành PAM, cuộc chiến tranh tại Ukraine khiến xuất khẩu lương thực, thực phẩm sụt giảm mạnh, đe dọa thêm gần 40 quốc gia khác, vốn vẫn nhập khẩu đến 50% ngũ cốc từ khu vực này. Chưa kể đến nhiều khu vực tại châu Phi, vốn đã trong tình trạng thiếu đói trầm trọng triền miên, việc nông sản Ukraine không xuất được ra ngoài cũng khiến căng thẳng gia tăng tại nhiều nước châu Á, như Sri Lanka, Indonesia hay Pakistan.

Các chương trình quốc tế, hỗ trợ lương thực cho người dân đang bị đói, đã bị cắt giảm mạnh. Chương trình Lương thực Thế giới giờ đây còn phải cứu trợ lương thực cho 4 triệu người Ukraine, nạn nhân chiến tranh, tại một đất nước vốn từng có đủ thực phẩm nuôi sống đến 400 triệu cư dân.

Trong một động thái liên quan, Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Canada, Italia và Nhật Bản (G7) vừa cam kết sẽ hỗ trợ 4,5 tỉ USD để chống nạn đói toàn cầu. Trong đó, khoảng hơn một nửa là do Mỹ đóng góp để giúp giải quyết vấn đề cung ứng thực phẩm toàn cầu.

G7 cũng kêu gọi các đối tác có nguồn dự trữ lương thực lớn cũng như các doanh nghiệp tư nhân hãy bán thực phẩm mà không làm méo mó thị trường để chống lại nạn đói trên toàn cầu. Mặt khác, tuyên bố cho biết G7 sẽ tiếp tục đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga sẽ không nhằm vào thực phẩm, cho phép các sản phẩm nông nghiệp được lưu thông tự do, kể cả từ Nga.

Giới phân tích cho rằng, việc vận động và đóng góp nhân đạo chỉ mang tính tình thế giải quyết cứu đói trước mắt. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ đảm bảo chống biến đổi khí hậu, không chiến tranh và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Có như vậy,  người dân toàn cầu mới có thể an tâm sống, lao động trong môi trường an toàn để sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và cung ứng cho cộng đồng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>