Kinh hoàng sóng thần ở Indonesia

01/10/2018 | 08:05 GMT+7

Một thảm họa động đất gây sóng thần kinh hoàng đã xảy ra tại đảo Sulawesi, Indonesia vào tối 28-9 theo giờ địa phương.

Giới chức Indonesia lo ngại số người chết do động đất/sóng thần ở Palu có thể tăng cao. Ảnh: REUTERS

Chiều 28-9, Trung Sulawesi (đảo lớn thứ 11 trên thế giới) đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh 6,1 độ richter (lúc 15 giờ) và 7,5 độ richter (lúc 18 giờ) làm rung chuyển cả khu vực. Các trận động đất này đã gây ra sóng thần làm thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình xây dựng trong khu vực. Hàng nghìn người đã phải sơ tán lên vị trí cao hơn. Trận động đất ở Donggala đã khiến cầu Vatulemo, biểu tượng thành phố Palu, bị hư hại. Thống kê sơ bộ ít nhất 384 người thiệt mạng, hơn 540 người khác bị thương, 29 người mất tích. Đến hôm 29-9, thành phố Palu tiếp tục bị rung chuyển bởi nhiều cơn dư chấn mạnh khiến hàng nghìn ngôi nhà, bệnh viện và trung tâm mua sắm bị phá hủy.

Ngoài thành phố Palu - thủ phủ của đảo Sulawesi với 350.000 dân - một thành phố nhỏ hơn là Donggala cũng bị sóng thần tấn công. Nhiều nhà cửa bị cuốn trôi và nhiều gia đình mất tích, trong khi liên lạc với khu vực này bị cắt đứt.

Người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn và được khuyến cáo tiếp tục nâng cao cảnh giác vì có thể vẫn còn các dư chấn mạnh. Phía cơ quan chức năng vẫn đang nhanh chóng tìm kiếm những người còn mất tích, đồng thời thu dọn hiện trường.

Sau trận động đất mạnh tạo sóng thần với những cột sóng cao tới 3m. Động đất và sóng thần xảy ra trong thời điểm hàng trăm người đang tập trung tại đây chuẩn bị cho lễ hội biển mừng ngày truyền thống của thành phố vào đêm 28-9 nên con số thương vong có thể sẽ lên cao hơn.

Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), ông Purwo Nugroho cho biết, những thống kê trên mới chỉ là con số thương vong ghi nhận được tại Palu, thủ phủ của tỉnh Trung Sulawesi, trong khi các nạn nhân ở Donggala, trong đó có các khu vực duyên hải gần vờ biển Talisa hiện vẫn chưa được thống kê. Theo người phát ngôn, hầu hết những người thiệt mạng và bị thương đều do bị đè trong các đống đổ nát hoặc bị các tấm vật liệu, bê tông rơi trúng người. Ông cũng cho biết trận sóng thần do động đất đã phá hủy nhiều tòa nhà và khu vực dân cư ở khu vực bờ biển và hiện chưa thể đánh giá hết thiệt hại.

Phát ngôn viên BNPB Sutopo Purwo Nugroho cho hay, hàng ngàn ngôi nhà, bệnh viện, trung tâm mua sắm và khách sạn bị sập. Thi thể của nhiều nạn nhân đã được tìm thấy dưới đống đổ nát. Động đất/sóng thần còn gây mất điện trên diện rộng và hệ thống liên lạc bị gián đoạn xung quanh Palu gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ. Đến chiều ngày 29-9, cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia chưa có bất kỳ thông tin nào từ thị trấn Donggala, cách tâm chấn động đất 27km.

Giới chức cho biết các máy bay chở hàng quân sự đã được huy động để chở nhu yếu phẩm tới tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sân bay thành phố Palu đang tạm ngừng hoạt động trong khi trạm kiểm soát không lưu của sân bay cũng bị phá hủy trong thảm họa nên có thể sẽ cản trở những nỗ lực tiếp tế, cứu nạn bằng đường hàng không. Các tuyến giao thông đường bộ dẫn tới Palu từ phía Đông và phía Nam hiện cũng đang bị gián đoạn.

Ngay sau động đất, Cơ quan Khí tượng thủy văn Indonesia (BMKG) đã phát cảnh báo sóng thần nhưng đã dỡ bỏ sau đó 34 phút. Vì vậy, cơ quan này đang hứng chịu chỉ trích nặng nề vì không thông báo sóng thần xảy ra tại Palu dù các quan chức địa phương đều cho rằng những con sóng lớn đã tới ngay khi cảnh báo sóng thần được đưa ra.

Indonesia là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm, gây ra nhiều trận động đất và phun trào núi lửa. Vào tháng 12-2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ richter ở đảo Sumatra, phía Tây Indonesia, đã dẫn tới cơn sóng thần dữ dội khiến 220.000 người tại nhiều quốc gia thiệt mạng.

 

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>