“Không còn mặn mà” với thỏa thuận hạt nhân: Mỹ đẩy Iran xích lại gần Nga

07/12/2022 | 08:15 GMT+7

Cả Mỹ và Iran đều cáo buộc nhau “không còn mặn mà” với thỏa thuận hạt nhân nên bất đồng ngày càng nặng nề hơn, khó tìm cơ hội đàm phán.

Mỹ vẫn đổ lỗi cho Iran về những bế tắc trong đàm phán hạt nhân. Nguồn: AP

Đặc phái viên Mỹ Robert Malley chỉ trích Iran không quan tâm đến thỏa thuận hạt nhân cho nên Mỹ không có sự kỳ vọng vào việc nối lại đàm phán với Iran mà thay vào đó dành sự quan tâm cho các vấn đề “nóng” khác của quốc gia Hồi giáo này. Cụ thể, Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Iran cung cấp vũ khí cho Nga và hỗ trợ các cuộc biểu tình của người dân Iran vì cho rằng Tehran đã vi phạm nhân quyền.

Theo Liên Hiệp Quốc, đến nay đã có hơn 300 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo động xảy ra giữa lực lượng an ninh Iran và người biểu tình. Phía Iran xác nhận, trong số những người thiệt mạng có nhiều sĩ quan cảnh sát, binh lính quân đội.

Về phía mình, Iran cũng đã nhiều lần tố cáo Mỹ quay lưng lại với thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), đồng thời  can thiệp vào tình hình nội bộ của quốc gia này, kích động các cuộc biểu tình bạo lực, chống đối chính phủ.

Trước thực tế trên, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi một lần nữa lên tiếng khẳng định, Chính phủ Iran luôn tôn trọng và đảm bảo các quyền dân chủ của người dân, bác bỏ những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch như Mỹ, Israel và Saudi Arabia.

Giữa lúc căng thẳng gia tăng, Mỹ và Israel lại tiến hành tập trận chung đối phó các mối đe dọa từ Iran. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong các cuộc tập trận không quân chung với Mỹ, hai bên lên “nhiều kịch bản khác nhau khi đối mặt với các mối đe dọa Iran.

Cuộc tập trận này được chú ý hơn khi nó diễn ra sau các tuyên bố “không để Iran có được vũ khí hạt nhân” của Tổng thống Mỹ Joe Biden hay như “Mỹ có các lựa chọn khác thay thế khi ngoại giao bất thành trong vấn đề hạt nhân Iran”. Chính những động thái này đã làm cho mâu thuẫn giữa Iran và Mỹ ngày càng gia tăng.

JCPOA được ký vào năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nước này được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đa phương. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút Washington khỏi thỏa thuận và áp các biện pháp trừng phạt khắt khe lên Iran kéo dài tới tận bây giờ.

Đã có lúc tưởng chừng các cuộc đàm phán kéo dài hơn một năm qua giữa Iran và Nhóm P5+1 sẽ khôi phục thành công JCPOA, để Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt và Iran quay trở lại tuân thủ các cam kết hạt nhân với thế giới. Tuy nhiên, Mỹ và Iran đã không thể cùng nhau vượt qua những trở ngại cuối cùng. Hai bên chưa thống nhất được việc gỡ bỏ trừng phạt, cùng những dấu vết urani được tìm thấy tại các cơ sở hạt nhân không được Iran khai báo rõ ràng... đã khiến việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 đình trệ.

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA Rafael Grossi thừa nhận: “Mọi thứ đang khó khăn. Thỏa thuận hạt nhân là điều tốt nhất, nhưng hiện tại dường như không có động lực cần thiết nào để các bên quay trở lại. Chúng tôi cũng không thể giám sát Iran hay kiểm định việc Iran thực hiện cam kết với chúng tôi”.

Thực tế, khi Mỹ ngày càng quay lưng lại thỏa thuận hạt nhân với Iran lại là chất xúc tác làm động lực để Tehran xích lại gần hơn với Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách chính trị Ali Bagheri Kani mới đây cho biết, nước này và Nga đang phát triển các cơ chế và khuôn khổ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Từ những diễn biến gần đây cho thấy, khoảng cách quan hệ của Iran và Mỹ ngày càng xa hơn. Điều này đồng nghĩa JCPOA càng khó phục hồi trong tương lai gần.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>