Khó đồng thuận vấn đề người di cư

06/11/2018 | 08:21 GMT+7

Đa số thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tán thành Hiệp ước toàn cầu về di cư nhằm kiểm soát làn sóng di cư đang gia tăng trên thế giới, trong khi Mỹ và một số nước quyết tẩy chay Hiệp ước này.

Đoàn di dân với số lượng kỷ lục đang hướng về phía Mỹ. Ảnh: REUTERS

Hiệp ước dự kiến được thông qua tại một hội nghị ở Morocco diễn ra từ ngày 10 đến 11-12. Đây sẽ là văn kiện quốc tế đầu tiên về kiểm soát hoạt động di cư. Hiệp ước đề ra 23 mục tiêu để đảm bảo các hoạt động di cư hợp pháp trong bối cảnh số người di cư trên toàn cầu đã lên tới 250 triệu người, chiếm 3% dân số thế giới.

Tiến trình đàm phán hiệp ước kéo dài suốt 18 tháng, vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp với việc một số chính phủ kiên quyết trả những người di cư không có giấy tờ đăng ký cư trú hợp lệ về nơi xuất xứ của họ.

Chính phủ Áo hôm 31-10 đã tuyên bố nước này sẽ không ký Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vì lo ngại rằng văn kiện này sẽ xóa nhòa ranh giới giữa di cư hợp pháp và bất hợp pháp. Trước đó, Thủ tướng Kurz đã kêu gọi sửa đổi Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ, cho rằng văn kiện này có thể giới hạn quyền chủ quyền của nước này. Theo Thủ tướng Áo, vấn đề di cư gắn liền chặt chẽ với chủ quyền và quyền tự quyết, do đó Áo sẽ có thể tiếp tục đưa ra những quyết định riêng của mình. Trong khi đó, Chính phủ Hungary do Thủ tướng V.Orban đứng đầu, người có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề người di cư, đã tuyên bố sẽ không ký vào Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ.

Chính phủ Ba Lan cho biết đang cân nhắc về một quyết định tương tự.

Kết quả về một Hiệp ước Toàn cầu Liên Hiệp Quốc về Di dân An toàn, Trật tự và Quy củ chưa biết ra sao thì trong lúc này một dòng người di dân đang đổ xô vào châu Âu. Theo báo Kronen Zeitung của Áo, một quan chức giấu tên của Bộ Nội vụ Áo tiết lộ rằng một đoàn người tị nạn khoảng 20.000 người đang chuẩn bị vượt qua biên giới Bosnia - Croatia tại vị trí gần thị trấn Velika-Kladusa ở Bosnia. Những người tị nạn này phần lớn là thanh niên từ các nước Pakistan, Iran, Algeria và Morocco chứ không phải đến từ Syria như những lần trước đây, và gần như không có phụ nữ nào trong đoàn người này. Điều đáng lo ngại đó là một số nguồn tin mà Bộ Nội vụ Áo nhận được nói rằng rất nhiều trong số những người này có mang theo dao. Nhiều hãng thông tấn đã đưa tin, một sĩ quan cảnh sát biên giới đã bị những người di dân tấn công bằng dao.

Vị quan chức giấu tên nói thêm, vào thời điểm hiện tại dòng người di dân đang có ý định đi về các nước ở phía Bắc châu Âu, những nơi tạo điều kiện sống thuận lợi cho những người tị nạn. “Những người di dân muốn đến Đức hoặc những quốc gia ở Bắc Âu. Áo hiện không phải là lựa chọn tốt nhất cho họ”, người này khẳng định.

Trong những ngày qua, đã có 2 đoàn người di cư từ Trung Mỹ, ước tính từ 7.000-10.000 người, chủ yếu là các gia đình, đang hướng đến Mỹ qua biên giới Mexico. Đoàn người thứ 3 từ El Salvador được cho là đang hình thành ở biên giới El Salvador - Mexico.

Trước làn sóng người di cư đến từ Trung Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã báo động quân đội và lực lượng tuần tra biên giới, gọi đoàn di cư là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, đồng thời tuyên bố cắt viện trợ cho một số nước Trung Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ ký một sắc lệnh cho phép bắt giữ trên diện rộng những người di cư vượt biên giới miền Nam và cấm bất kỳ ai vượt biên trái phép xin tị nạn.

Lầu Năm Góc cho biết sẽ triển khai 5.200 binh sĩ tới biên giới để ứng phó. Hiện Washington đã phân bổ số lượng quân đến biên giới vượt xa số lượng quân Mỹ chiến đấu ở Syria (2.000), Iraq (5.000). Nếu 15.000 quân được điều động, con số này sẽ lớn hơn số binh sĩ Mỹ hiện đang chiến đấu ở Afghanistan (14.000).

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>