Khó cứu vãn thỏa thuận JCPOA

21/11/2018 | 08:52 GMT+7

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 đã làm cho Tehran kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, Iran vẫn hy vọng châu Âu có thể cứu vãn thỏa thuận này cho dù còn nhiều khó khăn.

Các quốc gia liên quan đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cho dù Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Nguồn: REUTERS

Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) vào năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được xem là bước ngoặt để quốc gia Trung Đông này từ bỏ chương trình hạt nhân đổi lại châu Âu và các quốc gia liên quan rút lại lệnh trừng phạt Tehran. Điều này sẽ giúp cho quốc tế khỏi nỗi lo chạy đua vũ khí hạt nhân giữa các nước trong khu vực và giúp Iran có điều kiện để mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển đất nước.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5 rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận JCPOA, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt Iran mạnh tay hơn so với thời điểm trước khi có thỏa thuận. Theo đó, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên diễn ra cách đây hai tháng nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác. Lệnh trừng phạt tiếp theo có hiệu lực từ ngày 5-11 vừa qua, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran. Mỹ cũng đã liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Ngoài những lệnh trừng phạt trên, chính quyền Mỹ cũng đang tìm mọi cách để cô lập chính quyền Tehran, bất chấp sự phản đối của nhiều đồng minh châu Âu.

Mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng sức ép hơn nữa nhằm vào Iran. Ông Bolton khẳng định, Chính phủ Iran đang phải đối mặt với sức ép thật sự và  ý định của Mỹ là sẽ tiếp tục gia tăng sức ép hơn nữa bằng việc tăng cường các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt nhằm vào quốc gia Hồi giáo Iran đang vấp phải sự phản đối của các bên tham gia ký Thỏa thuận JCPOA, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán, các biện pháp trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế Iran giảm 1,5% trong năm nay và 3,6% trong năm tới.

Về phía Iran, Tehran kịch liệt phản đối và lên án việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA, đồng thời cáo buộc Washington đã vi pham Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Seyed Abbas Araqchi, nhấn mạnh việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc đã đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh các nước châu Âu và thế giới. Ông nhấn mạnh: “Tehran đã hành động phù hợp với các cam kết trong khuôn khổ JCPOA. EU được trông đợi sẽ đáp lại kỳ vọng và hành động theo những cam kết kinh tế của họ dựa trên thỏa thuận trong khi vẫn thực hiện các trách nhiệm chính trị”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran là một phần của cuộc chiến tâm lý mà Washington tiến hành nhằm chống lại Tehran. Cuộc chiến này sẽ thất bại và Iran sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu thô. Đồng thời phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Mỹ về các lĩnh vực năng lượng và tài chính ngân hàng.

Trước đó, Mỹ cũng đã tạm thời cho phép 8 “khách hàng” nhập khẩu tiếp tục được nhập khẩu dầu của Iran, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ. Những quốc gia này sẽ làm cầu nối để Iran xuất khẩu dầu ra thế giới. Điều này đồng nghĩa với lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran kém hiệu quả.

Mặc dù tuyên bố cứng rắn và sẽ trả đũa với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhưng Iran vẫn kỳ vọng châu Âu và các quốc gia liên quan có động thái tích cực cứu vãn JCPOA mặc dù có quá nhiều khó khăn.

Giới phân tích nhận định, thỏa thuận JCPOA có thể tồn tại nhưng hiệu lực của nó sẽ bị mai một. Bởi lẽ, Mỹ hiện là quốc gia có vũ khí hạt nhân nhiều nhất lại có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới nên việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ khiến thỏa thuận này càng mong manh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>