Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU và AL: Mở ra kỳ vọng hòa bình

27/02/2019 | 08:21 GMT+7

Mặc dù cũng còn những bất đồng nhưng Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU và AL kết thúc sau 2 ngày nhóm họp tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập đã cùng thống nhất tăng cường hợp tác đối phó với thách thức chung.

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU và AL.

Đồng chủ trì hội nghị là Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cùng với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al -Sisi. 24 nguyên thủ quốc gia của EU đã tham dự hội nghị này. Đây là hội nghị lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các Tiểu vương quốc Arab hay còn gọi là Liên đoàn Arab (AL) nhằm tìm các giải pháp để giải quyết những vấn đề chung được cả EU và AL cùng quan tâm. Tuyên bố của hội nghị nhấn mạnh tăng cường hợp tác khu vực là chìa khóa để giải quyết các thách thức chung mà các nước EU và AL phải đối mặt. Đây được xem là nền tảng mở ra hy vọng chung nhằm hỗ trợ hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ổn định và thịnh vượng ở cả hai khu vực.

Đáng lưu ý là hội nghị đã bàn sâu về tiến trình hòa bình Trung Đông, bao gồm cả tình trạng của Jerusalem và hợp tác giải quyết khủng hoảng ở Syria, Libya, Yemen. Hội nghị đã giải quyết các mối lo ngại của các nước về đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực, bao gồm khủng bố, cực đoan và các hành động làm suy yếu sự ổn định, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, cũng như vấn đề di cư bất hợp pháp.

Trước đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini cho biết, EU và AL đang đối mặt với một số bất đồng nhưng cần tìm ra điểm chung để giải quyết các vấn đề đại diện cho lợi ích của cả hai phía. Bà Mogherini tuyên bố hai bên còn tồn tại bất đồng, nhưng điều quan trọng là tìm ra biện pháp chung để cùng thực hiện.

Theo đó, cả hai khối đều có chung quan điểm về tiến trình hòa bình Syria cũng như cuộc xung đột ở YemenLibya. Cũng theo Đại diện cấp cao EU, an ninh phải là một nền tảng bền vững và liên quan tới sự phát triển kinh tế, đặc biệt là tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi.

Thực tế, những năm gần đây nhiều nước trong khối AL rơi vào tình cảnh khủng hoảng nghiêm trọng như: chiến tranh đẫm máu liên tục nổ ra, rồi dịch bệnh, thiên tai thường xuyên diễn ra đi kèm với việc khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoành hành… làm cho hàng trăm ngàn người bị thiệt mạng, hàng triệu người khác bị mất nhà cửa phải tha phương cầu thực. Từ đó dẫn đến làn sóng di cư tị nạn từ các nước này vào EU, với mỗi năm có hàng trăm ngàn người vượt đại dương hoặc nhiều con đường bất hợp pháp khác tìm đường vào vùng “đất hứa” bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Trong số này có rất nhiều người đã thiệt mạng trong quá trình di cư bất hợp pháp.

Hệ lụy của tình trạng trên không chỉ làm cho an ninh chính trị ở các nước AL bất ổn mà còn dẫn đến tình trạng khủng hoảng làn sóng di cư ở nhiều quốc gia EU.

Hội nghị thượng đỉnh EU-AL thành công cũng đồng nghĩa đã tạo ra tác động kép cho cả hai khối vừa giải quyết được khủng hoảng ở các quốc gia AL và tạo nền tảng để giải quyết tình trạng di cư vào các quốc gia EU. Đây được xem là chìa khóa mở ra hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mở ra thịnh vượng ở cả hai khu vực.

Liên đoàn Ả Rập hiện gồm có 22 quốc gia nói tiếng Ả Rập. Lãnh thổ của các quốc gia Ả Rập trải dài từ Đại Tây Dương tại phía Tây đến biển Ả Rập tại phía Đông, và từ Địa Trung Hải tại phía Bắc đến sừng châu Phi và Ấn Độ Dương tại phía Đông Nam. Tổng dân số thế giới Ả Rập là trên 422 triệu người theo số liệu năm 2012.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>