Đức lúng túng vì chính sách di cư

02/08/2018 | 08:27 GMT+7

Là quốc gia mặn mà với chính sách tiếp nhận người di cư tị nạn, nhưng hiện nay Đức đang lúng túng tìm lối ra thỏa đáng cho chính sách này.

Người di cư chờ làm thủ tục đăng ký lưu trú tại Berlin, Đức. Nguồn: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà chính trị “siêu sao”, nhưng chính sách di cư đã hủy hoại danh tiếng của bà. Ông Trump nhấn mạnh: “Chính sách di cư ở châu Âu là một thảm họa... Việc cho phép hàng triệu người di cư tới Đức thực sự đã gây tổn hại sâu sắc tới bà”. Ông Trump cũng nhắc lại rằng chính sách di cư của châu Âu đã phá hoại nền văn hóa châu lục này.

Thực tế, những nhận xét của ông Trump hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu Emnid tiến hành công bố trên tờ Bild am Sonntag của Đức mới đây tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ cầm quyền Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006. Theo đó, tỷ lệ này đã giảm 1%, xuống còn 29%, thấp hơn so với mức 33% mà liên đảng này nhận được trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9-2017.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy CDU/CSU của Thủ tướng Đức nhiều khả năng có thể mất đa số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử bang Bavaria vào tháng 10 tới do tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với Chủ tịch đảng CSU kiêm Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi xảy ra bất đồng sâu sắc giữa ông với Thủ tướng Đức Angela Merkel về chính sách tị nạn.

Ngoài ra, cuộc thăm dò còn cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vẫn giữ nguyên ở mức 15% và đảng Xanh bất ngờ tăng 2% lên 14%, mức ủng hộ cao nhất mà đảng này nhận được trong năm 2018.

Thực tế, chính sách mở cửa tiếp nhận người di cư tị nạn không chỉ làm cho Thủ tướng Đức Angela Merkel bị phản ứng của người dân trong nước mà cũng làm mất lòng những quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, việc Đức đã chào đón hàng trăm nghìn người di cư và tị nạn vào nước này. Kéo theo đó, nhiều nước châu Âu cũng lao đao vì sự phân bổ hạn ngạch phải tiếp nhận số lượng người di cư do Đức đề xuất. Trong số này không ít quốc gia đã phản ứng bằng cách đóng cửa biên giới, trục xuất người di cư trả về nước hay áp dụng chính sách hà khắc với những người khốn khổ này. Hệ lụy của việc này làm cho người di cư lâm vào cảnh khốn khó vì đói khát, bệnh tật và các tệ nạn xã hội khác.

Theo thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 700.000 lượt người di cư đặt chân lên các bờ biển của Italia kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu vào năm 2013. Căn cứ quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới. Tuy nhiên, quy định này đã tạo áp lực đối với Italia và Hy Lạp bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên sau khi trốn chạy khỏi nội chiến và nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác.

Hiện Đức hy vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận với Italia về việc tiếp nhận lại người di cư. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã vướng phải những rào cản khá lớn từ Italia. Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Salvini cho rằng hai bên cần chia sẻ mục tiêu chung là giảm số người di cư, giảm số người thiệt mạng và giảm số người di cư hiện đang ở hai nước này. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Trước khi chấp nhận một người nhập cư ở Italia, chúng tôi muốn châu Âu bảo vệ biên giới bên ngoài của mình. Chỉ khi điều đó thành hiện thực, chúng tôi mới có thể thảo luận tất cả các vấn đề còn lại”.

Chính những yếu tố trên đã làm cho chính sách tiếp nhận người di cư tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel càng rơi vào khó khăn hơn. Điều này đồng nghĩa uy tín của bà Merkel sẽ sụt giảm trong thời gian tới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>