Dân số thế giới đạt 8 tỉ người: Vừa mừng, vừa lo

15/07/2022 | 04:13 GMT+7

Những năm gần đây mặc dù thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh liên tiếp diễn ra nhưng dân số toàn cầu vẫn gia tăng theo hướng tích cực. Đây vừa là niềm vui cũng là nỗi lo.

Dân số thế giới sẽ cán mốc 8 tỉ người vào tháng 11-2022. Nguồn: GETTY IMAGES

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) vừa thông báo dân số thế giới hiện đã hơn 7,9 tỉ người và dự báo sẽ đón cư dân thứ 8 tỉ vào ngày 15-11-2022. Đây là con số lý tưởng để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, là cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn, mà việc bảo đảm các quyền và lựa chọn cho tất cả mọi người sẽ góp phần củng cố xã hội đó.

Từ nửa sau thế kỷ 20, dân số thế giới tăng ngày càng nhanh, trung bình mỗi năm tăng lên thêm 80 triệu người và đang dần tiến đến con số 8 tỉ người. Với đà này, dân số thế giới dự báo đạt 9,7 tỉ người vào năm 2050; 10,7 tỉ người vào năm 2080 và 10,9 tỉ vào năm 2100.

Cũng theo báo cáo của LHQ, trong năm 2022, hai khu vực đông dân nhất đều ở châu Á, đó là Đông và Đông Nam Á với 2,3 tỉ người (chiếm 29% dân số toàn cầu), Trung và Nam Á với 2,1 tỉ người (chiếm 26% dân số toàn cầu). Khu vực Trung và Nam Á dự báo sẽ trở thành khu vực đông dân nhất trên thế giới vào năm 2037, trong khi dân số của Đông và Đông Nam Á có thể bắt đầu giảm vào giữa những năm 2030.

Trong đó, dân số Ấn Độ đạt mức 1,412 tỉ người, so với 1,426 tỉ người của Trung Quốc trong năm 2022. Ấn Độ được dự báo sẽ có dân số 1,668 tỉ người vào năm 2050, vượt xa con số 1,317 tỉ người của Trung Quốc vào giữa thế kỷ này.

Nguyên nhân dẫn đến dân số thế giới gia tăng chủ yếu do số lượng người trong độ tuổi sinh sản ngày càng tăng, cộng với những thay đổi lớn về tỷ lệ sinh, gia tăng đô thị hóa và tốc độ di cư. Bên cạnh đó tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng, từ 64,6 tuổi vào đầu những năm 1990 lên 72,6 tuổi vào năm 2019.

Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem cho rằng đây là cột mốc quan trọng cho thấy những tiến bộ trong việc tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm đói nghèo trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh con số 8 tỉ người là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết, bởi dân số ngày càng gia tăng và già hóa cũng là một thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, tác động tới vấn đề bảo đảm chất lượng cuộc sống.

Cụ thể, xu hướng tăng và già hóa dân số ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, việc làm, phân phối thu nhập, nghèo đói và các biện pháp an sinh xã hội. Chúng cũng ảnh hưởng đến các nỗ lực đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, vệ sinh, nước, thực phẩm và năng lượng. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người cần đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhà ở, cũng như sự cần thiết phải có thêm các nguồn lực để chăm sóc người cao tuổi.

Mặt khác, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 2 năm gần đây, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng từ 135 triệu người hồi trước đại dịch Covid-19 lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay. Hơn 500.000 người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016. Báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu (GNR) chỉ ra 48% dân số toàn cầu hiện ăn quá ít hoặc quá nhiều, dẫn đến tình trạng nhẹ cân hoặc thừa cân, béo phì.

Dự báo của GNR, từ nay đến năm 2030, chi tiêu cho dinh dưỡng cần tăng khoảng gần 4 tỉ USD mỗi năm để đạt được các mục tiêu hạn chế thấp còi, suy dinh dưỡng, thiếu máu sau sinh và các mục tiêu về nuôi con bằng sữa mẹ… Tuy nhiên, số tiền vận động của LHQ lại quá ít so với nhu cầu cần cứu trợ nhân đạo. Đây cũng là nỗi lo khi dân số toàn cầu gia tăng trong khi lương thực, thực phẩm và các dịch vụ kèm theo không tăng tương xứng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>