Có hay không kịch bản Saudi Arabia bị bao vây ngoại giao ?

24/10/2018 | 07:57 GMT+7

Cái chết gây tranh cãi của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tạo ra nghi ngờ và phản ứng trái chiều giữa Mỹ và các quốc gia phương Tây với Saudi Arabia.

Nhà báo Khashoggi. Nguồn: SKY NEWS

Theo đó, cùng với Mỹ, nhiều nước phương Tây đã đồng loạt đưa ra phản ứng về vụ nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông không hài lòng với những lời giải thích của Saudi Arabia liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định Washington cũng không muốn mất đi những sự đầu tư từ quốc gia Trung Đông này.

Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi tìm ra “sự thật” liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Bà May nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng toàn thể Quốc hội Anh sẽ cùng tôi lên án vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Chúng ta phải tìm ra sự thật về những gì đã xảy ra”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng việc giới chức Saudi Arabia khẳng định nhà báo Khashoggi thiệt mạng sau một vụ ẩu đả là “không đáng tin cậy”.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel, gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “hành động tàn ác” đồng thời khẳng định Berlin sẽ dừng bán vũ khí cho Riyadh cho đến khi vụ việc được làm rõ.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng vụ sát hại nhà báo Khashoggi là một tội ác nghiêm trọng và cần phải được điều tra thấu đáo.

Theo Văn phòng Thủ tướng Canada, những lời giải thích từ phía Saudi Arabia liên quan đến vụ việc đều “thiếu nhất quán và không đáng tin cậy”.

Mới đây, Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin khẳng định nước này sẽ tìm mọi cách để làm sáng tỏ “vụ giết hại dã man” nhà báo Khashoggi.

Trước đó, kênh tin tức Haber thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng tải một đoạn video trích xuất từ máy quay giám sát, trong đó có cảnh 3 người đàn ông đang đốt các tài liệu ở sân sau của Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Đoạn video được ghi ngày 3-10, một ngày sau khi nhà báo Khashoggi bị sát hại bên trong khuôn viên tòa lãnh sự.

Hầu hết phản ứng của các quốc gia liên quan đều lên án vụ việc sát hại nhà báo Khashoggi, đồng thời tuyên bố sẽ có hành động đáp trả đối với Saudi Arabia.

Giới phân tích cho rằng, đúng như các đồng minh của Saudi Arabia đã “linh cảm” điều chẳng lành xảy ra đối với quốc gia này khi Khasghoggi mất tích và thực sự bị giết. Về sâu xa, vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại nằm trong một “kế hoạch tàn độc” làm ảnh hưởng ngoại giao của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ. Bởi lẽ, Saudi Arabia hiện là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới (khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, trong đó có 1 triệu thùng dành riêng cho Mỹ) và vẫn còn trữ lượng dầu khổng lồ với 260 tỉ thùng chưa khai thác. Mặt khác, Saudi Arabia còn là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ, và 61% trong số đó là từ Mỹ. Mỹ và Saudi Arabia cũng đã ký thỏa thuận quốc phòng trị giá tới 110 tỉ USD hồi năm ngoái.

Saudi Arabia đóng vai trò quan trọng trong liên minh Mỹ - Saudi Arabia - Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất nên mâu thuẫn với Riyadh đồng nghĩa với Washington mất đi liên minh ở Trung Đông này.

Những lý do trên đã tạo áp lực nặng nề với cả Mỹ và phương Tây khi xem xét trừng phạt Saudi Arabia. Nói một cách khác, Mỹ “vuốt mặt phải nể mũi” nếu không muốn mất đi quyền lợi.

Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2-10 sau khi vào Tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017. Sau 2 tuần phủ nhận, mới đây Saudi Arabia đã thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã chết trong một vụ ẩu đả tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>