Anh mất phương hướng vụ Brexit

01/04/2019 | 07:24 GMT+7

Ngày 29-3, đúng ngày Anh phải rời Brexit theo kế hoạch ban đầu, Hạ viện Anh đã nhấn chìm kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) của Thủ tướng Anh Theresa May lần thứ 3 khiến cho nước Anh rơi vào cảnh “đi cũng dở mà ở không xong”.

Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, quyết định của Hạ viện là nấm mồ chôn Brexit.

Sau một cuộc bỏ phiếu đặc biệt tại Hạ viện, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu chống lại Hiệp định rút khỏi EU dài 585 trang của bà May với số phiếu 344-286.

Chỉ mấy phút sau kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Anh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và chủ tọa phiên họp thượng đỉnh Donald Tusk cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải gặp nhau vào ngày 10-4 để thảo luận việc Anh rời khỏi khối. Các nhà điều hành EU cho biết, viễn cảnh Anh rời EU không thỏa thuận vào ngày 12-4 đã được xác định sau cuộc bỏ phiếu lần 3 thất bại của bà May.

Nói với Hạ viện sau khi thất bại, bà May cho biết: “Tôi sợ rằng chúng ta đang đạt tới những giới hạn của tiến trình này tại Hạ viện. Ý nghĩa của quyết định của Hạ viện là rất nghiêm trọng. Về mặt pháp lý giờ đây Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu vào ngày 12-4”.

Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn phản ứng bằng việc kêu gọi bà May từ chức và tổ chức tổng tuyển cử. Thỏa thuận rời EU có nhiều điều khoản gây tranh cãi, trong đó có vấn đề thương mại và đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Tính đến nay, không có bất kỳ lựa chọn Brexit nào giành được đa số phiếu ủng hộ tại Hạ viện. Trong số những lựa chọn này bao gồm việc yêu cầu EU cho trì hoãn lâu dài, tiến tới một cuộc trưng cầu dân ý lần hai hoặc là ra đi không thỏa thuận.

Tờ Thời báo Chủ nhật của Anh đưa tin, Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với nguy cơ làn sóng từ chức của các bộ trưởng trong Nội các cả ở phe ủng hộ lẫn phe phản đối Brexit. Ít nhất 6 bộ trưởng trong Nội các của Thủ tướng Theresa May sẽ từ chức nếu bà dẫn dắt Brexit không thỏa thuận, trong khi các bộ trưởng ủng hộ Brexit cũng sẽ từ chức nếu bà ủng hộ liên minh hải quan với EU hoặc tìm cách trì hoãn Brexit.

Theo tờ báo này, Thủ tướng Theresa May được cảnh báo rằng, chính phủ của bà đang đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn trừ khi bà vượt qua được thỏa thuận Brexit.

Tại Pháp, Phủ Tổng thống Pháp tuyên bố, lần thất bại mới nhất này của Thủ tướng Theresa May làm gia tăng mạnh mẽ nguy cơ một sự ra đi không thỏa thuận. Trách nhiệm khẩn cấp lúc này thuộc về nước Anh, đó là trong những ngày tới phải đưa ra được một lựa chọn thay thế (bầu cử Quốc hội sớm, trưng cầu ý dân hay liên minh hải quan,...). Nếu không, Anh và Liên minh châu Âu sẽ buộc phải chia tay mà không có thỏa thuận và đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận hiện đang trở nên rất thực tế. Còn đối với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Anh phải đề xuất với Liên minh châu Âu một kế hoạch Brexit mới trong 2 tuần tới, nếu không một “Brexit cứng” sẽ khó tránh khỏi.

Ngay sau thất bại của bà May ngày 29-3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã thông báo các lãnh đạo EU sẽ tổ chức cuộc họp khẩn vào ngày 10-4 để thảo luận về việc nước Anh rời khối - chỉ hai ngày trước hạn chót Anh rời khỏi EU.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy lần thất bại này dường như không làm nản lòng nhà lãnh đạo Anh, Văn phòng Thủ tướng cho biết bà May sẽ đàm phán với đảng Dân chủ Hợp nhất, lớn nhất tại Bắc Ireland. Một số bình luận cho rằng nhiều khả năng trong vài tuần tới, bà Theresa May sẽ tiếp tục tìm cách thuyết phục Hạ viện để xem liệu thỏa thuận của bà có được thông qua hay không. Trên thực tế, tỷ lệ chênh lệch giữa số phiếu chống so với phiếu thuận đã giảm đi rất nhiều sau mỗi lần bỏ phiếu, từ 230 phiếu lần 1 xuống 149 phiếu lần 2 và xuống còn 58 phiếu lần 3.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>