Ấn Độ đứng trước cơ hội và thách thức mới

01/12/2022 | 10:50 GMT+7

Kể từ hôm nay (ngày 1-12), Ấn Độ chính thức đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với nhiều thách thức và cơ hội.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trao búa chủ tọa cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: REUTERS

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ giữ chức Chủ tịch G20, với 5 vấn đề ưu tiên được nước này lựa chọn cho chương trình nghị sự. Trong đó, tập trung vào các vấn đề: phát triển và thịnh vượng, khả năng phục hồi chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, logistics và cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chuyển đổi chính sách đối ngoại của Ấn Độ theo hướng tập trung vào “lợi ích của toàn cầu”. Thông qua vai trò Chủ tịch G20, Ấn Độ hy vọng sẽ mở rộng nguyên tắc này, hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp bền vững cho các thách thức toàn cầu đang nảy sinh. Đây cũng là cơ hội lớn để New Delhi ghi dấu ấn trong tiến trình hợp tác, phát triển của thế giới. Bởi lẽ, G20 được phản ánh bởi sức mạnh kinh tế của khối: các quốc gia thành viên của G20 chiếm hơn 80% GDP toàn cầu, 75% thương mại toàn cầu và 60% dân số thế giới.

Xét về phương diện kinh tế, trang Foreign Policy cho rằng “Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ là một cơ hội vàng”. Bởi theo tác giả bài viết, đây là thời điểm thuận lợi hơn bao giờ hết để New Delhi đảm nhận cương vị này, khi Ấn Độ đang là điểm sáng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 6,8% trong năm tài khóa 2022, cao hơn các nền kinh tế G7.

Nói một cách khác, với cương vị chèo lái G20 mang lại cho Ấn Độ cơ hội định hình chương trình nghị sự cho hợp tác toàn cầu, khi thế giới thoát ra khỏi bóng đen của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để đạt được thành công, giới quan sát nhận định, Chủ tịch mới của G20 dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới đang đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng. Nhà lãnh đạo Narendra Modi cũng thẳng thắn thừa nhận, Ấn Độ nhận trọng trách chèo lái G20 vào thời điểm khó khăn. Bởi lẽ, nhiệm kỳ rồi khi Indonesia làm Chủ tịch G20 đã chứng kiến sự chia rẽ giữa các nền kinh tế thành viên xung quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine. Từ đó đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước công nghiệp phương Tây, trong đó chủ yếu là thành viên của G20. Những hậu quả của nó đã làm đảo lộn quá trình phục hồi toàn cầu.

Bài viết trên India Express với tiêu đề “Những thách thức khi trở thành Chủ tịch G20 vào thời điểm địa chính trị bất ổn”, đặt câu hỏi “Liệu Ấn Độ có thể làm tốt nhiệm vụ, trở thành nhà hoạch định chính sách hay không”? Câu trả lời, là New Delhi sẽ phải vượt qua nhiều chông gai, khi tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng bao trùm chương trình nghị sự cốt lõi của G20. Thành công bước đầu của Ấn Độ sẽ được đánh giá từ việc bám sát các kết quả thu được từ Hội nghị thượng đỉnh ở Bali và có những định hướng phù hợp cho nhiệm kỳ mới.

Thách thức luôn đi cùng với cơ hội. Việc đảm nhận chức Chủ tịch G20 ở thời điểm hiện tại là không dễ dàng, nhưng lại chính là cơ hội để Ấn Độ tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín không chỉ trong G20 mà còn trên trường quốc tế.

Mục đích của G20 là giúp những nền kinh tế hàng đầu thế giới có được diễn đàn để đối phó với các thách thức chung, từ chính trị, kinh tế tới nhiều lĩnh vực khác. Đây chính là điều kiện để Ấn Độ phát huy lợi thế nâng tầm uy tín của mình với quốc tế nếu làm tốt vai trò chủ tịch G20.

Được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997-1998, G20 là tên gọi viết tắt của Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 20 nền kinh tế này bao gồm 19 nước (Saudi Arabia, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Nga, Nhật, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Australia, Anh, Italia) và Liên minh châu Âu (EU).

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>