Xây dựng bảng giá đất phù hợp với yêu cầu phát triển

17/11/2019 | 13:20 GMT+7

Thông qua Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất định kỳ 2015-2019 và lấy ý kiến bảng giá đất định kỳ 2020-2024 trên địa bàn tỉnh do HĐND tỉnh tổ chức mới đây đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng...

Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất định kỳ 2015-2019 và lấy ý kiến bảng giá đất định kỳ 2020-2024 trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện phù hợp với khung giá đất do Chính phủ ban hành

Theo kết quả thực hiện thống kê đất đai năm 2018, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là hơn 162.170ha, trong đó đất nông nghiệp là hơn 141.030ha, đất phi nông nghiệp là hơn 21.103ha, đất chưa sử dụng là hơn 35ha.

Bảng giá đất định kỳ 5 năm 2015-2019 được xây dựng đảm bảo nguyên tắc định giá đất phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Luật Đất đai 2013, có kế thừa bảng giá đất năm 2014, phù hợp khung giá đất do Chính phủ ban hành. Đồng thời, đã rà soát, cập nhật đầy đủ các tuyến đường giao thông, khu dân cư, khu tái định cư, các cụm tuyến dân cư đã đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.

Trong quá trình thực hiện, xuất phát từ nhu cầu thực tế phát sinh và thực hiện quy định mới của Nghị định số 01 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18 ngày 19/6/2017 nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai áp dụng bảng giá đất định kỳ 2015-2019.

Ông Võ Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết, tỉnh xây dựng bảng giá đất theo khung giá đất của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện giao dịch đất. Có giá đất cụ thể cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư trên địa bàn huyện.

Nhìn chung, bảng giá đất định kỳ 2015-2019 có điều chỉnh tăng giá so với năm 2014 nhưng mức độ tăng không đáng kể. Cụ thể, đối với đất cây lâu năm, nhóm thấp nhất tăng 1,16 lần và nhóm cao nhất tăng bình quân 1,13 lần; đối với đất ở nông thôn, nhóm thấp nhất mặt tiền đường giao thông và vị trí còn lại không tăng, riêng nhóm cao nhất mặt tiền đường giao thông tăng bình quân 1,18 lần.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện bảng giá đất định kỳ 2015-2019 còn một số tồn tại, vướng mắc. Đó là giá đất nông nghiệp mỗi xã, phường, thị trấn có chung 1 mức giá. Thế nhưng, khi xác định giá đất cụ thể theo thị trường để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thì có sự bất cập và tăng đột biến ở những vị trí tiếp giáp mặt tiền đường giao thông, trong khu dân cư.

Mặt khác, một số địa bàn xã, phường, thị trấn chưa ban hành bảng giá đất rừng sản xuất nên gặp khó khăn trong việc xác định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất...

Xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu phát triển

Từ kết quả và những hạn chế được chỉ ra trong thực hiện bảng giá đất định kỳ 2015-2019, UBND tỉnh xây dựng dự thảo bảng giá đất định kỳ 2020-2024 trên cơ sở điều tra giá đất thực tế trên thị trường, đánh giá điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng, điều kiện sinh lợi của từng địa phương.

Qua đó, đề xuất mức giá ban hành trong định kỳ 2020-2024 đảm bảo thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, phương pháp xây dựng bảng giá đất đúng quy định, đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai của Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kết quả xác định bảng giá đất định kỳ 2020-2024 so với bảng giá đất định kỳ 2015-2019 có tăng lên. Chẳng hạn như, đối với đất cây lâu năm, nhóm thấp nhất tăng bình quân 1,73 lần và nhóm cao nhất tăng bình quân 1,6 lần. Đối với đất ở đô thị, nhóm thấp nhất mặt tiền đường giao thông tăng bình quân 2 lần; nhóm cao nhất mặt tiền đường giao thông tăng bình quân 1,69 lần…

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phan Trung Hiền, Phó Khoa luật Trường Đại học Cần Thơ, đánh giá phần chi tiết, phụ lục trong dự thảo bảng giá đất định kỳ 2020-2024 được xây dựng khá cơ bản.

Cho rằng bảng giá đất rất quan trọng đối với địa phương nên Phó Giáo sư, tiến sĩ Phan Trung Hiền lưu ý tỉnh cần chú ý đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất mới đến tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, việc thực hiện chính sách về đất đai và thu nhập, đời sống của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất. Ngoài ra, xem lại vấn đề giáp ranh theo Điều 13 Nghị định số 44 của Chính phủ quy định về giá đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh, việc xây dựng bảng giá đất định kỳ 2020-2024 trên nguyên tắc đảm bảo việc chống thất thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của người dân và tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Trên tinh thần đó, UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị để nghiên cứu rà soát, đối chiếu, bổ sung xây dựng bảng giá đất định kỳ 2020-2024 đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra, xử lý những vấn đề còn tồn đọng.

Ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đánh giá các ý kiến phát biểu, trao đổi tại hội nghị đã làm rõ hơn những nội dung để trình cho HĐND tỉnh thông qua việc ban hành giá đất định kỳ 2020-2024.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh lưu ý việc thực hiện nhiệm vụ này phải tuân thủ theo Nghị định số 44 của Chính phủ quy định về giá đất, đồng thời bổ sung đầy đủ các tuyến đường đã hoàn chỉnh vào bảng giá đất.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh đánh giá cụ thể, chi tiết tác động của việc tăng giá đất theo dự kiến để làm sao thu hút được đầu tư. Nhất là thận trọng trong xây dựng giá đất tại các khu, vị trí có dự án đang triển khai để thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh trường hợp khiếu nại trong bồi thường, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về bảng giá đất định kỳ 2020-2024.

Tác động của việc tăng giá đất

(HG) - Việc xây dựng bảng giá đất 5 năm (2020-2024) ở tỉnh sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế.

Tác động đến khả năng thu hút đầu tư: Nhìn chung Bảng giá đất 5 năm (2020-2024) tỉnh Hậu Giang ở tất cả các vị trí, các loại đất đều tăng so với Bảng giá đất hiện hành, ít nhiều cũng có tác động đến khả năng thu hút đầu tư.

Bởi vì, việc tăng này là phù hợp với xu hướng chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long; những khu vực tăng cao, tăng đột biến là khu vực đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, khu dân cư, khu thương mại hiệu hữu; những khu vực ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh như khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị mới có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mặc dù có tăng nhưng giá đất không cao hơn giá đất để giải phóng mặt bằng, giá giao đất, cho thuê đất đang áp dụng hiện hành.

Việc tăng giá đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa sẽ tác động đến việc hạn chế sử dụng đất lúa vào mục đích phi nông nghiệp, có ý nghĩa bảo vệ diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt của tỉnh. Đồng thời, ảnh hưởng đến mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh lại quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo phù hợp giữa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>