Vĩnh Viễn anh hùng - đổi mới

26/04/2019 | 08:38 GMT+7

Hôm nay (ngày 26-4), Huyện ủy, UBND huyện Long Mỹ tổ chức công bố nghị quyết về thành lập thị trấn Vĩnh Viễn trên cơ sở địa giới hành chính xã cùng tên. Trở lại Vĩnh Viễn, những người con của đất anh hùng không khỏi tự hào bởi trên vùng đất khó ngày nào giờ bừng sáng.

Đô thị thị trấn Vĩnh Viễn.

Mấy ngày qua, tiếp chuyện với nhiều người dân Vĩnh Viễn, họ nói bây giờ giao thông ở đây kết nối thông thương, đi huyện, tỉnh lân cận bằng xe 4 bánh dễ dàng; đêm thì đèn đường sáng ánh…

Đó là sự chuyển động của đô thị, khấm khá của thị dân !

Vĩnh Viễn anh hùng

Ngày 18-4-1905, làng Vĩnh Thuận Thôn đổi tên thành làng Vĩnh Viễn. Địa danh Vĩnh Viễn chính thức ra đời từ đó với nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Vĩnh Viễn mang ý nghĩa của sự trường tồn ngoài thời gian hoặc trong mọi thời gian, không có kết thúc.

Vĩnh Viễn có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời, hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đất và người đã hòa quyện với nhau tạo nên truyền thống lịch sử khá đậm nét.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Vĩnh Viễn là căn cứ địa cách mạng trọng yếu, đại đa số hộ dân theo cách mạng, tham gia nuôi chứa, bảo bọc bộ đội; là vùng đất sản sinh ra những người con anh hùng thà “xanh cỏ” hoặc “đỏ ngực” chứ không khuất phục trước họng súng kẻ thù.  

Năm 1979, xã Vĩnh Viễn chia ra thành 2 xã Vĩnh Viễn và xã Vĩnh Lập. Ngày 2-3-1994, Vĩnh Viễn và Vĩnh Lập được sáp nhập trở lại, lấy tên xã Vĩnh Viễn. Đến năm 2008, xã Vĩnh Viễn được chia thành xã Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ.

Ngày hòa bình, thống nhất đất nước và sau đổi mới 1986, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Viễn (lớn) một lòng chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh cải tạo nông nghiệp, tổ chức thực hiện mạnh mẽ phong trào thủy lợi gắn với giao thông nông thôn… Từ đó, sớm tháo chua rửa phèn vùng đất khó, giao thông thủy, bộ đi lại dễ dàng.

Người ta vẫn còn nhớ các dòng kênh những năm 80-90 thế kỷ trước được xáng cạp khơi thông như: kênh Mười Ba, kênh Mười Thước, kênh Trực Thăng, kênh Mương Cừ, kênh Phèn… Sau đó, lộ song song với kênh được hoàn chỉnh làm sáng rõ những vùng quê, nuôi trồng thuận lợi, đời sống bà con có rất nhiều khởi sắc.

Mốc son đáng nhớ là ngày 4-2-2015, xã Vĩnh Viễn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.  Việc xây dựng Vĩnh Viễn đạt chuẩn nông thôn mới là quá trình lâu dài và nhiều khó khăn so với một số địa phương khác.

Đến tháng 9-2015, huyện Long Mỹ được điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị xã Long Mỹ. Xã Vĩnh Viễn vẫn thuộc huyện Long Mỹ (mới), là huyện lỵ với những khởi đầu, nền tảng phát triển khá vững.

Vĩnh Viễn đổi mới

Đến trước ngày công bố thành lập thị trấn, huyện Long Mỹ có 8 xã, nay còn 7 và 1 thị trấn. Thị trấn Vĩnh Viễn ra đời có thể gọi là đã chín muồi với điều kiện kết cấu hạ tầng phát triển khá, đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng cao; cấp ủy, chính quyền nhận thức đúng về quản lý, phát triển đô thị.

Điều này cũng đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ lão thành khi trước đây định hướng xây dựng đường, trường, trạm, di tích lịch sử xứng tầm huyện lỵ. Ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ (cũ), cho biết, xây dựng được thị trấn huyện lỵ, địa phương sẽ phát triển hơn và vực dậy các vùng lân cận đi lên.

Một góc chợ thị trấn Vĩnh Viễn.

Vĩnh Viễn bây giờ đã phá thế độc đạo; khu thương mại - dịch vụ Vĩnh Viễn nay sầm uất hơn và gắn kết giao thương với các khu mua bán ở chợ Xà Phiên, Thuận Hưng, Trực Thăng, Vĩnh Viễn A (Thanh Thủy)…

Chợ Vĩnh Viễn ngày nay bán đủ mặt hàng gia dụng, có cả cơ sở kim khí điện máy nên người dân không cần đi xa mua. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, tiểu thương cốt cựu chợ Vĩnh Viễn, từ buôn bán dưới mé kênh rồi lên nhà lồng, nói 2 năm nay bán đắt hơn những năm trước đó. “Khoảng năm 2015, doanh thu mỗi ngày từ cơ sở tạp hóa của tôi khoảng 2 triệu đồng thì nay lên đến 3,5 triệu đồng, có ngày 4 triệu đồng. Lên thị trấn rồi tiểu thương tụi tui mong có nhà lồng cao rộng và sạch đẹp hơn nữa”, chị Loan nói.

Còn anh Trần Tấn Đạt, cán bộ thị trấn Vĩnh Viễn, thông tin, qua từng năm là huyện lỵ Vĩnh Viễn phát triển rõ, bây giờ quán ăn uống nhiều gấp 4 lần so năm 2015.

Theo UBND thị trấn, nếu năm 2008, số cơ sở thương mại - dịch vụ trên địa bàn chỉ có 188, tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ vài tỉ đồng thì nay số cơ sở tăng lên 4 con số, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2018 lên đến 310 tỉ đồng. 10 năm trước, thu nhập bình quân đầu người xã Vĩnh Viễn chỉ 9,5 triệu đồng/người/năm thì cuối năm 2018 là 41,6 triệu đồng. Năm 2008, toàn xã có 378 hộ nghèo, tỷ lệ 14,09% thì cuối năm rồi toàn xã còn 105 hộ, tỷ lệ 3,4%. Trường đạt chuẩn quốc gia năm 2008 chưa có thì nay trường đạt chuẩn (3 chuẩn) là 7/7, đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất 5/7 trường…

Nhìn nhận chung hơn 3 năm xây dựng, đến nay, Vĩnh Viễn đạt nhiều kết quả nổi bật. Tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy hải sản, nguồn thu của ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều dự án, khu dân cư được đầu tư xây dựng, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng cao...

Đi dọc theo các con đường nội ô, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Viễn Hứa Hoàng Gởi nói, nhịp sống đô thị hiển hiện ra từng ngày ở đây. “Chúng tôi cũng vẫn ưu tiên quan tâm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững; sau khi lên đô thị sẽ chú trọng thu hút đầu tư và mở rộng khu dân cư - thương mại nông thôn mới 15ha để có thêm bước phát triển đồng bộ, xứng tầm”, ông Gởi cho biết thêm.

***

“Chiếc áo” xã Vĩnh Viễn đã chật và được thay áo mới! Áo mới - sức sống mới và kỳ vọng mới sẽ đưa Vĩnh Viễn phát triển nhanh hơn.

Nỗ lực xây dựng và được công nhận Vĩnh Viễn là thị trấn nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là hành động tri ân thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương bảo vệ, xây dựng Vĩnh Viễn thời gian qua. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị trấn sẽ không ngừng phát huy truyền thống anh hùng cách mạng nhằm khai thác, tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế để đưa Vĩnh Viễn tiến nhanh hơn trong tương lai.  

Ông Lê Hữu Phước, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ: “Sau khi công nhận thị trấn, chúng tôi sẽ quan tâm chỉ đạo nâng chất các tiêu chí đô thị. Không tham vọng lớn nhưng mong muốn của Đảng bộ, chính quyền huyện và thị trấn là xây dựng nơi đây thành đô thị kiểu mẫu, phát triển hài hòa, thân thiện, hiện đại, văn minh, sung túc”. 

 

Ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ (cũ): “Tôi thấy rất phấn khởi, hy vọng sau khi công bố thành lập, trong tương lai, thị trấn Vĩnh Viễn sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng của một đơn vị trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội huyện nhà, xứng tầm là đô thị vệ tinh góp phần cho phát triển đô thị Hậu Giang. Bản thân tôi sẽ cố gắng tiếp tay cho thị trấn phát triển tốt hơn”. 

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>