Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Chuẩn bị chiến lược giải phóng thị xã

17/11/2022 | 19:31 GMT+7

Giai đoạn 1974-1975, thị xã Vị Thanh được xem là vị trí then chốt, chiến lược của tỉnh Chương Thiện, do đó địch ngày càng tăng cường lực lượng phòng thủ trong nội ô và vùng ven. Đây cũng là thời gian ta chuẩn bị các chiến lược để giải phóng thị xã.

Khu vực này (chợ đêm hiện nay) ở thành phố Vị Thanh xưa là nơi tập trung Tòa hành chính thị xã Vị Thanh, giai đoạn 1974-1975.

Tháng 9-1974, địch tập trung quân đánh phá khu vực II của thị xã tiếp giáp với xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao và các khu vực khác nhằm tái chiếm vùng ven và đã đóng thêm được 15 đồn chốt để bảo vệ cơ quan đầu não của chúng ở Chương Thiện.

Cuối năm 1974, trên chiến trường miền Tây, ta hoạt động mạnh, quân chủ lực ngụy ở thị xã phải đi ứng cứu các nơi. Các đồn bót ven thị xã luôn bị ta bao vây và tấn công, địch phải rút bỏ một số đồn chốt vòng ngoài về phòng thủ thị xã.

Địch còn ra sức vơ vét, phong tỏa kinh tế ta, bắt người làm tiền, đóng tiền để khỏi vào phòng vệ dân sự địch. Ngăn cấm việc chở thuốc men, lương thực và thực phẩm vào vùng ven và vùng sâu. Đồng thời, dốc toàn lực liên tiếp mở các cuộc càn quét, đóng thêm nhiều đồn chốt và bao vây kinh tế ta, gây cho ta một số khó khăn nhất định.

Từ tháng 11-1974 trở đi, sau khi Đảng bộ thị xã được chỉnh huấn Chỉ thị 51 về công tác thành thị của Khu ủy, hoạt động vũ trang của ta có nhiều tiến bộ. Ta tấn công liên tục vào đồn bót, căn cứ, kho tàng và các trục giao thông của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Lực lượng vũ trang thị xã bao vây, bức rút 5 lượt đồn bót địch ở Mười Thước, Nàng Chăn, Trà Hưng, kinh Tắc Dài. Tổ chức chống càn suốt 7 ngày đêm với 3 tiểu đoàn chủ lực địch đánh vào căn cứ của Thị xã ủy ở Ba Doi. Kết quả, đã diệt và làm bị thương 30 tên địch, bẻ gãy cuộc càn quét.

 Phong trào đấu tranh phát triển đỉnh điểm vào đầu tháng 12-1974. Ta mở đợt tấn công địch ở khắp nơi, nhất là ở Cống Đá (xã Vĩnh Tuy, Gò Quao), chi khu Một Ngàn, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Số bị thương được chở về bệnh viện Vị Thanh, lập tức gia đình binh sĩ trên 400 người tấp nập kéo nhau đổ xô vào bệnh viện, căn cứ Trung đoàn 31, hậu cứ 406 khóc la đòi trả chồng con em. Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt và kéo dài suốt 3 ngày liền, số người tham gia ngày càng đông lên đến khoảng 600 người. Trước sự đấu tranh quyết liệt đó, bọn chỉ huy trung đoàn 31 phải xoa dịu, hứa giải quyết yêu sách của bà con và ra lệnh cho binh lính không được đánh đập quần chúng.

Tháng 12-1974, trong lực lượng địch đã có 11 cuộc đấu tranh cấp đại đội không chịu đi tiếp viện ở các nơi bị ta tấn công. Có đại đội trên 100 quân được đưa đến phi trường, đấu tranh không chịu lên máy bay kéo dài từ 7 giờ sáng đến 13 giờ chiều, buộc địch phải đưa trở về căn cứ.

Thời gian này, Thị xã ủy đã họp nhằm tổng kết và kiểm điểm tình hình năm 1974, đồng thời vạch ra nhiệm vụ cho giai đoạn cách mạng sắp tới là đẩy mạnh hoạt động vũ trang, chính trị, binh vận, lôi kéo làm rã hàng ngũ địch, đưa phong trào đấu tranh sát hợp với tình hình mới.

Vào đầu năm 1975, trên khắp chiến trường miền Nam, đặc biệt là chiến trường Đông Nam bộ, ta giành được thắng lợi quan trọng, nhất là chiến thắng Phước Long đã đánh dấu bước suy sụp của ngụy quyền Sài Gòn. Tại thị xã Vị Thanh, trước sự tấn công dồn dập của quân và dân Long Mỹ và thị xã, địch thay đổi kế hoạch hoạt động, từ mở rộng vùng chiếm đóng, chúng chuyển sang củng cố vùng đã chiếm được. Địch co cụm lại để bảo vệ lực lượng, ra sức đánh phá cơ sở cách mạng, đưa lực lượng củng cố và bảo vệ vùng đã chiếm đóng.

Chỉ trong 1 tháng, địch đã điều 3 tiểu đoàn đánh phá khu vực III như ở Trà Hưng, kinh Xáng Hậu; huy động 2 đại đội án ngữ trục lộ giao thông từ thị xã Vị Thanh đến Hỏa Lựu và một số lực lượng khác án ngữ từ vàm kinh Bà Bét đến vàm kinh Mười Thước. Ở khu vực I, đại đội trinh sát và Ban chỉ huy thiết đoàn xe M113 đóng, nhằm giữ phi trường và Tòa hành chính trong nội ô. Ở khu vực II, địch đưa 2 đại đội chủ lực càn quét dọc theo trục lộ 62…

Tiếp nhận Nghị quyết của trên, đầu năm 1975, Thị xã ủy và Thị đội đã họp và đề ra kế hoạch giải phóng thị xã. Trước hết giải phóng đại bộ phận nông thôn tiếp giáp với thị xã để làm bàn đạp tấn công vào thị xã. Sau đó, khi có thời cơ sẽ giải phóng thị xã.

Quân dân thị xã đã ráo riết chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dây giải phóng thị xã. Thị xã ủy đã xác định những mục tiêu quan trọng, bố trí lực lượng cho từng khu vực. Để chuẩn bị cho cuộc tấn công, ta lập ra Ban chỉ đạo gồm 8 ủy viên. Ban chỉ đạo đã thành lập ra 2 tiểu ban, gồm tiểu ban lo công kích, do đồng chí Trần Nam Phú làm Trưởng tiểu ban. Tiểu ban lo khởi nghĩa, do đồng chí Lê Hồng Bông (Ba Tình), Bí thư Thị xã ủy làm Trưởng tiểu ban.

Cán bộ của tỉnh và thị xã được tăng cường cho các ấp vùng ven để phát động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Trong nội ô sẽ có 3 điểm khởi nghĩa, trong đó có 2 trọng điểm, các khu vực ven đều có chi bộ lãnh đạo, chi bộ ít nhất có 3 đảng viên, chi bộ nhiều nhất có đến 12 đảng viên. Lúc này, Thị xã ủy có 106 đảng viên (có 11 mật). Du kích 3 khu vực có hàng trăm đồng chí, Đội biệt động thị xã có 3 đại đội và 1 phân đội trực thuộc, quân số khoảng 200 chiến sĩ; Đội an ninh vũ trang có 25 đồng chí (có 15 mật). Cơ sở của ta trong lòng địch có 7, gồm 3 tề ấp, 3 toán trưởng phòng vệ dân sự, 1 trong căn cứ trung đoàn 31 địch là đồng chí Nguyễn Văn Nhu (Bảy Nhu).

 Thời điểm này, quân địch trong thị xã rất đông lên đến hàng ngàn tên, bao gồm các loại như: chủ lực 405 tên (sư đoàn 21), bảo an 496 tên, cảnh sát 576 tên, dân vệ 105 tên; tề ấp, tề xã có 590 tên, chưa kể các loại quân khác như 2 đại đội pháo binh, 1 giang thuyền và 6 phòng phục vụ cho tiểu khu, các chi đoàn xe M113, xe thiết giáp...

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>