Về thăm vàm Chà Là...

02/05/2018 | 07:49 GMT+7

Lần thứ hai về thăm nơi mà bà nội Lê Thị Phòng và cha mình là luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (từng sinh sống ở vàm Chà Là, thuộc ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ) để lại cho ông Nguyễn Hữu Châu nhiều cảm xúc đặc biệt.

Ông Nguyễn Hữu Châu (bìa trái) trao những tư liệu về luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cho lãnh đạo huyện Long Mỹ.

Càng đặc biệt hơn khi lần về này đúng vào dịp cúng miếu bà Chúa xứ ở vàm Chà Là (ngày 15 và 16-2 âm lịch). Ngôi miếu thờ này do bà Lê Thị Phòng lập nên cách nay ngót nghét 1 thế kỷ. Bởi vậy, ngoài tượng thờ bà Chúa xứ, người dân còn lập bàn thờ bà Lê Thị Phòng để ghi nhớ công ơn bà đã có công khai khẩn xứ này…

Cũng vì biết ơn bà Lê Thị Phòng và dành sự tôn kính đặc biệt cho vị lãnh đạo xuất sắc của Đảng và đất nước là luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nên người dân Vĩnh Viễn A rất vui khi hay tin ông Nguyễn Hữu Châu về thăm. Chiếc vỏ lãi chở ông Châu vượt sông Nước Đục cặp vàm Chà Là trong sự đón chào hân hoan của mọi người.

Có người quen biết, cũng có người mới gặp ông Châu lần đầu nhưng ai cũng tay bắt mặt mừng, rôm rả trò chuyện như thể gặp lại… cố nhân. Hầu như người dân xứ này chưa từng biết mặt luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khi đã trưởng thành và tham gia cách mạng, nhưng nhìn di ảnh thì ai cũng bảo ông Nguyễn Hữu Châu giống cha như đúc.

Rồi ông Nguyễn Hữu Châu được nghe nhiều người lớn tuổi kể về lịch sử miếu bà, về những đóng góp mà bà nội ông đã làm cho người dân ở khu vực này và cho cách mạng…

Cách nay hơn 1 thế kỷ, khi ấy, bà Lê Thị Phòng cùng con trai (luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ) đã về nơi “khỉ ho cò gáy” vàm Chà Là để khẩn hoang, lập nghiệp. Sự can trường của người phụ nữ mà xóm giềng hay gọi là cô Thông đã được đền đáp khi đất đai khai phá chạy dài vút tầm mắt ở xứ bưng biền.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng lúa của gia đình và các hộ dân trong xóm, bà Phòng thuê nhân công đào nhiều kinh dẫn thủy nhập điền như: kinh Ranh, kinh Dừa Khô, kinh Tư, kinh Kay Ưu, kinh Ngang… Cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bà đã lập ra miếu thờ bà Chúa xứ để cầu nguyện sớm hôm.

Theo lời kể của những người lớn tuổi, miếu thờ do bà Lê Thị Phòng lập ra được làm bằng cây lá và cách vị trí miếu hiện tại vài trăm mét (vì nhiều lý do mà miếu thờ đã mấy lần phải di dời địa điểm).

Sở hữu nhiều đất đai, cuộc sống sung túc nhưng người ta vẫn thấy ở gia đình bà Lê Thị Phòng sự gần gũi, thân thiện và hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Đặc biệt là giáo dục con cái rất kỹ lưỡng, đề cao sự học hành và tinh thần yêu nước.

Thế nên, dù được coi là “cậu ấm” nhưng Nguyễn Hữu Thọ vẫn ngày ngày miệt mài đến học ở Trường Tiểu học thị trấn Long Mỹ (từ năm 1917-1920), bước khởi đầu cho một nhà tri thức yêu nước và là người lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đất nước sau này…

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình bà Lê Thị Phòng quyết định hiến toàn bộ gia sản cho cách mạng. “Nghe ông nội tôi kể lại, gia đình bà Phòng ngày trước sống rất có nghĩa, có tình với xóm giềng và với cách mạng. Cho nên người dân ở xứ này rất biết ơn”, ông Đồng Quang Hoằng, nhà ở gần miếu bà nói với ông Nguyễn Hữu Châu.

Có dịp về thăm vàm Chà Là, ông Nguyễn Hữu Châu thường ghé qua thăm nhà của ông Hoằng, bởi căn nhà mà gia đình ông Hoằng đang ở hiện được cất trên nền nhà cũ của bà nội ông Châu ngày trước.

Ông Đồng Quang Hoằng kể: “Sau khi gia đình bà Phòng rời khỏi vàm Chà Là thì căn nhà ấy được cách mạng dùng làm kho chứa lúa nuôi bộ đội, nhưng thời gian sau bị giặc ném bom phá nát. Khi ấy, ông nội tôi (Đồng Quang Điền - PV), người trông giữ kho lúa, quyết định xây dựng nhà ở ngay trên nền nhà cũ của bà Phòng, đến thế hệ cha tôi và tôi cũng sinh sống ở căn nhà này”.

Hiện gia đình ông Hoằng còn lưu giữ một số hiện vật từ căn nhà cũ của bà Phòng như: gạch tàu lót nền, ngói đỏ, đá xanh... Cặp nhà ông Hoằng còn có hố bom rộng hàng chục mét vuông, minh chứng cho thấy sự ác liệt của chiến tranh.

Nhìn những hiện vật ấy, ông Nguyễn Hữu Châu không khỏi bồi hồi và nghĩ về thời mà bà nội và cha mình đã sống trong tình yêu thương của người dân vàm Chà Là. Được đứng ngay tại vùng đất do bà nội mình khai khẩn nên lòng ông cảm nhận được sự thân quen, gần gũi. Đặc biệt là trước tình cảm của người dân dành cho bà nội, cha mình khiến ông xúc động và không khỏi tự hào về những việc mà họ đã làm cho dân, cho nước. 

“Bà nội tôi sẵn sàng hiến toàn bộ đất đai của gia đình cho Nhân dân, cho cách mạng đủ để thấy một tấm lòng cao cả và lòng yêu nước nồng nàn. Chính bà nội đã trở thành tấm gương để cha tôi noi theo và dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, bản thân tôi cũng tích cực tham gia sự nghiệp cách mạng của dân tộc hiện nay”, ông Nguyễn Hữu Châu nói.

Vàm Chà Là vốn chỉ là khu đất hoang hóa nằm ven sông Nước Đục, nhưng địa danh này lại ẩn chứa nhiều điều tốt đẹp về tình người, về sự hy sinh của những cá nhân cho cái chung như của gia đình bà Lê Thị Phòng.

Ngày nay, vàm Chà Là không còn hoang sơ như thời bà Phòng về đây khai hoang, lập nghiệp mà có nhiều sự phát triển, đổi thay, song đất và người nơi đây vẫn nguyên vẹn nghĩa tình...

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Với lòng biết ơn và muốn tôn vinh đóng góp của bà Lê Thị Phòng, luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, người dân ở vàm Chà Là mong muốn xây dựng nhà tưởng niệm để thờ phụng. Theo Bí thư Huyện ủy Long Mỹ Lê Hữu Phước, huyện sẽ cố gắng vận động kinh phí xã hội hóa để làm nhà tưởng niệm thờ luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cùng thân mẫu của ông trong thời gian tới.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>