Về lại nơi xưa

03/05/2018 | 08:06 GMT+7

Những người chiến sĩ cách mạng lại có dịp trở về căn cứ cũ, nơi mình đã từng tham gia chiến đấu. Cảm xúc dạt dào với nhiều kỷ niệm ùa về, mọi người lại kể nhau nghe chuyện những ngày tháng ấy gian khổ, hiểm nguy mà thấm đượm tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân tại Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ ngày đó.

Ông Lư Văn Điền (bìa phải), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, rất vui mừng khi gặp lại đồng chí, đồng đội năm xưa.

Nhìn hiện vật, nhớ chuyện xưa

Trở về Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cái nôi cách mạng, ông Nguyễn Văn Hóa, Đội phó Đội Phòng thủ, đi một lượt quanh khu di tích, vào tham quan Khu trưng bày hiện vật, rồi dừng lại ở kệ súng. Ông Hóa nhớ lại: “Những khẩu súng này hồi xưa, tôi sử dụng để đánh giặc. Tôi đã chế tạo không biết bao nhiêu trái gài để bảo vệ khu căn cứ này. Nhớ hồi đó, xung quanh khu căn cứ hầu như đâu đâu cũng có trái gài, nhờ vậy mới bảo vệ được Khu căn cứ Tỉnh ủy”. Trên kệ súng này, có ghi chú tên ông Nguyễn Văn Hóa để ghi lại công lao của ông đã cống hiến cho cách mạng.

Những dịp lễ, kỷ niệm, nhất là kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Hồ Thanh Long, bộ phận Mã Thám, lại về thăm khu di tích, năm nay cũng thế. Ông đã chỉ chúng tôi căn nhà đối diện khu trưng bày hiện vật bây giờ là nơi đội ông làm việc khi xưa. Ông Long nói: “Tụi tôi chuyên theo dõi nắm tình hình địch hành quân ở đâu rồi báo cáo lại, thông tin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy xuống huyện. Có khi cử người đi trực tiếp báo tin”. Những lúc rảnh rỗi, ông Long thường trở lại thăm khu căn cứ, nơi đây đã từng gắn bó với ông trong những ngày kháng chiến.

Tóc đã ngả trắng, tuổi đời ngoài 90, ông Phạm Duy Khương (Chín Khương), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ thời kháng chiến chống Mỹ, trở về thăm căn cứ, nhìn lại hình ảnh xưa mà nhớ những đồng chí, đồng đội cùng chung chiến tuyến. Ông Chín Khương bùi ngùi: “Thường vụ có 5 người, bây giờ đã mất 4 đồng chí, giờ về đây còn mình mình nhìn hình lại nhớ các đồng chí ấy”. Tâm trạng này không chỉ riêng ông Chín Khương mà nhiều đồng chí khác chia sẻ, mỗi lần trở lại căn cứ, gặp mặt hỏi thăm nhau nhưng nhiều khi buồn không cầm lòng được khi hay tin đồng chí, đồng đội không còn nữa. Dù đã hơn 40 năm qua, mỗi người đều có cuộc sống riêng, nhưng đối với những người chiến sĩ cách mạng tình đồng chí, đồng đội vẫn thấm đượm, mọi người rất yêu thương nhau.

Nhớ mãi tình dân với cách mạng

Trở lại chiến trường xưa (vẫn được gọi quen là Căn cứ Bà Bái), nơi mà ông Lư Văn Điền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, bộc bạch: “Khu căn cứ này có nhiều ý nghĩa đối với tôi, nhớ lại thời khắc lịch sử chiến thắng 30-4 là thời khắc lịch sử vẻ vang của dân tộc, lúc đó, niềm vui, hạnh phúc dâng trào thật khó tả, chuyện thật mà tưởng như mơ”. Ông Điền nhớ thời đó, tỉnh Cần Thơ là tỉnh đồng bằng không rừng, không núi, địa hình không có gì hiểm trở nên xây dựng căn cứ là phải dựa vào dân. Căn cứ Bà Bái nằm trên vùng đất này khi đồn bót địch vây quanh, có đồn cách không đầy cây số. Ấy vậy mà cơ quan Tỉnh ủy hàng trăm con người làm việc, sinh hoạt bình thường an toàn, đó là nhờ giúp đỡ, bảo bọc của dân ở đây.

Cùng khẳng định điều này, ông Chín Khương kể: “Xây dựng căn cứ ở đây có lòng dân, bà con tốt lắm. Biết mình là cán bộ, cơ quan nhưng không hề khai báo mà tiếp tế gạo, nước mắm, mua pin, đèn. Phương tiện chiến đấu của mình không có gì đáng kể so với địch, nhưng mình thắng về mặt tinh thần bên cạnh chiến thuật”.

Theo ông Lư Văn Điền: “Đây là biểu tượng cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, quân và dân. Đó là cái quý mà muôn đời sau phải phát huy. Sau gần 15 năm chia tách tỉnh, Hậu Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhân dân có cuộc sống ấm no, sung túc hơn song vẫn còn một bộ phận người dân nghèo khó, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, nhất là ở vùng căn cứ kháng chiến. Đó là cách tri ân thiết thực nhất”.

Công trình Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ được khởi công vào năm 1972 tại nền nhà Bà Bái, một địa chủ xưa, nên mọi người quen gọi là “Căn cứ Bà Bái”. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo, phát động quần chúng phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, lập nên nhiều chiến công, góp phần cho Đại thắng mùa Xuân 1975. Năm 1990, khu căn cứ được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Những năm qua, đã được mở rộng, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa nhằm lưu giữ mãi truyền thống truyền lại cho các thế hệ mai sau !

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>