Tự hào mẹ anh hùng

18/02/2021 | 06:38 GMT+7

Những người Mẹ Việt Nam anh hùng đã động viên chồng, con lên đường đánh giặc để đất nước được hòa bình, độc lập. Trong cuộc sống hôm nay, các mẹ tiếp tục nêu gương sáng, là cây cao bóng cả để con cháu noi theo.

Ở tuổi 84, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ba vẫn còn khỏe và minh mẫn.

Chồng hy sinh, mẹ nuôi con và làm cách mạng

Trò chuyện cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ba, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ mọi người sẽ thấy hết những đức tính đáng nể phục của mẹ. Năm nay, mẹ Ba đã bước sang tuổi 90, sống cùng người con trai út, con dâu và các cháu nội, cháu chắt. Tóc mẹ đã bạc trắng màu sương gió, đôi mắt đã mờ, sức khỏe cũng yếu đi nhiều, những chuyện về một thời oanh liệt ngày xưa mẹ cũng không còn nhớ rõ. Nhưng khi nhắc đến chồng, con đã hy sinh mẹ lại dâng lên niềm xúc động.

Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ba, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.

Chồng mất, mẹ quyết định không đi thêm bước nữa, vừa nuôi con vừa tiếp tục tham gia công tác phụ nữ tại địa phương. Những năm đó, mẹ cùng các chị em hội phụ nữ đi tuyên truyền, vận động mọi người chống lại chế độ hà khắc của Mỹ ngụy. Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gia đình mẹ còn là cơ sở nuôi giấu, che chở, bảo vệ cán bộ cách mạng, nuôi dưỡng thương binh.

Thời gian trôi qua, những người con của mẹ Ba trưởng thành. Đối với các con, mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương sáng để mọi người phấn đấu, noi theo. Ông Nguyễn Văn Phương, con trai út của mẹ Ba bộc bạch: “Nghe mẹ kể lại, lúc đó, mẹ chịu biết bao vất vả. Chồng hy sinh, con thơ nheo nhóc, một mình mẹ phải gồng gánh. Ngoài công tác phụ nữ, không quản ngày đêm, mẹ làm lụng quần quật, không kể cực khổ, để lo cho chị em chúng tôi”.

Dù vẫn còn mang nặng những vết thương lòng do chiến tranh gây ra, nhưng mẹ Ba luôn tự hào vì sự hy sinh của gia đình cho độc lập tự do, vì sự bình yên của Tổ quốc. Mẹ Ba cho biết rằng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt lắm, rất nhiều người đã hy sinh. So với những khó khăn, gian khổ mà đất nước đã phải trải qua, thì sự đóng góp của gia đình mẹ chỉ là một phần nhỏ”.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, học tập và làm theo gương sáng của mẹ, những người con của mẹ luôn tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Gia đình ông Phương ngoài làm 15 công ruộng, còn làm vườn, nuôi tôm, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm - là một trong những gia đình làm kinh tế có hiệu quả tại địa phương.

Với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mẹ Ba đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2014, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Mẹ mãi là tấm gương sáng để con cháu trong gia đình và thế hệ chúng ta học tập, noi theo.

Góp sức cho quê hương

Rời nhà mẹ Ba, chúng tôi tiếp tục đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ba, ở ấp 4, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ. Bước đến sân nhà, chúng tôi thấy mẹ Ba đang ngồi trò chuyện cùng cô cháu gái. Trong căn nhà tình nghĩa ấm áp nghĩa tình, mẹ Ba nói cuộc sống của mẹ bây giờ tốt lắm, nhờ sự tận tình chăm lo của con cái trong nhà. Gia đình mẹ không phải lo cái ăn, cái mặc, bởi với hơn 20 công đất trồng lúa và cây ăn trái cũng đem về nguồn thu nhập kha khá mỗi năm.

Đã mấy mươi năm trôi qua, nhưng mẹ vẫn chưa quên được nỗi đau ngày đó khi hay tin chồng và con trai mãi mãi không về. Chồng mẹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, còn người con trai cũng ra đi mãi mãi khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Nén nỗi đau mất chồng, mất con, mẹ cố gắng làm lụng để lo cuộc sống gia đình và đàn con thơ. Không những thế, những năm chiến tranh ác liệt, ở vùng quê nghèo này mẹ Ba còn cấy lúa để nuôi bộ đội.

Trải qua những năm tháng đạn bom khói lửa của thời chiến, mẹ Ba đã dành phần lớn cuộc đời mình cho đất nước non sông. Hòa bình, mẹ tiếp tục lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống mới. Lúc chiến tranh giặc giã mọi người đã anh dũng chiến đấu, không ngại hy sinh, thì trong cuộc sống đời thường mẹ cũng phải làm sao để vượt qua cái nghèo, cái đói. Với suy nghĩ ấy, mẹ cố gắng làm lụng, chẳng quản ngày đêm, khó nhọc. Ban ngày mẹ lo ruộng nương, tối nấu rượu, nuôi heo... Dần dà cuộc sống cũng ổn định, các con khôn lớn trưởng thành.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cùng với cả nước mẹ đã ủng hộ 1 triệu đồng từ tiền trợ cấp hàng tháng cho công tác phòng chống dịch. “Khi hay Nhà nước kêu gọi ủng hộ phòng chống dịch, mẹ cũng góp một phần sức... Ngày xưa đói khổ còn giúp nhau được, bây giờ mẹ già rồi, con cháu nuôi, không phải lo gì nữa. Người ta đóng góp bạc trăm, bạc tỉ, mẹ có nhiêu đâu…”, mẹ Ba cho hay.

Ở tuổi 84, mẹ Ba vẫn còn khỏe mạnh, tươi vui với nụ cười thật đôn hậu vì mẹ luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm. Đối với mẹ, những điều đó rất đáng quý, đáng trân trọng và là nguồn động lực giúp mẹ sống vui, sống khỏe. Giờ đây, mẹ mong sao được sống lâu hơn để nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển, đời sống bà con ngày càng ấm no…

Còn nhiều, nhiều lắm những người Mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh đời mình cho Tổ quốc. Những hy sinh thầm lặng, vô cùng cao cả và thiêng liêng của các mẹ đã tô thêm những phẩm chất đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được phụng dưỡng suốt đời

Toàn tỉnh có 2.020 mẹ Việt Nam anh hùng được phong, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay có 90 mẹ còn sống, trong đó, huyện Long Mỹ 21 mẹ, huyện Phụng Hiệp 17 mẹ, huyện Vị Thủy 16 mẹ, thành phố Vị Thanh có 8 mẹ, thành phố Ngã Bảy 5 mẹ, huyện Châu Thành 5 mẹ, huyện Châu Thành A 6 mẹ và thị xã Long Mỹ 9 mẹ. Tất cả các mẹ đều được các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

 

Dùng tiền lãnh hàng tháng giúp đỡ hoàn cảnh khốn khó

Trong những lần tham gia chương trình “Cảm thông và chia sẻ”, chúng tôi hay gặp Mẹ Việt Nam anh hùng Châu Thị Điều, ở ấp Trường Thuận, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Mẹ Điều bảo: Cuộc đời mẹ chịu nhiều vất vả, mất mát, đau thương, nên mẹ luôn dành tình cảm đặc biệt với những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Năm nay, mẹ đã 82 tuổi còn khỏe nên tranh thủ tham gia hoạt động xã hội. Khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi tháng mẹ luôn trích ra phần kinh phí từ tiền lãnh hàng tháng và tiền công may quần áo để tham gia chương trình “Cảm thông và chia sẻ”. Mẹ thấy đây là chương trình ý nghĩa, vừa giúp đỡ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn bệnh tật, vừa góp phần nâng bước ước mơ cho thế hệ tương lai.

Mẹ Điều có chồng và con trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Chồng của mẹ là liệt sĩ Lý Kỳ Quân hy sinh năm 1968, người con trai thứ hai là liệt sĩ Lý Thành Công hy sinh năm 1973.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>