Tự hào được học tập và thực hiện Di chúc của Bác Hồ

15/07/2019 | 15:23 GMT+7

Ngôi nhà sàn đơn trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch mỗi ngày vẫn đón hàng nghìn đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc và du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, tại tầng 2 của ngôi nhà, trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1969, Bác Hồ đã viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” hay còn gọi là Di chúc. Bác đã đi xa nhưng những hiện vật nơi đây vẫn còn vẹn nguyên như lúc Người còn sống.

Xây dựng đất nước giàu đẹp như ước nguyện của Bác Hồ

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.

Bản Di chúc đã vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi như: Thực hiện việc Chỉnh đốn lại Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; xây dựng, phát triển đất nước…

Nhà sàn Bác Hồ.

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Năm 2019, kỷ năm 50 thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Khu di tích đã tổ chức học tập, làm theo Di chúc của Bác Hồ. Để học tập, làm theo Di chúc của Bác, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động, hình thức để tuyên truyền tư tưởng của Bác Hồ cho toàn thể đồng bào, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế khi đến tham quan, tìm hiểu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Di chúc của Người.

Từ Lâm Đồng ra thăm Lăng Bác, chị Hoàng Thị Thu Hà chia sẻ: Trong dịp này, tôi đã đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, sau khi được nghe thuyết minh viên giới thiệu về nơi Bác Hồ viết Di chúc, tôi cảm thấy mình tự hào được là công dân Việt Nam, được đọc, học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ. Khi nghe các hướng dẫn viên thuyết minh về nơi Bác Hồ viết Di chúc, tôi cảm nhận rõ hơn, sâu sắc hơn về bối cảnh ra đời của bản Di chúc. Tôi nghĩ, bản thân mỗi người cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong học tập, lao động, công tác để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp theo như ước nguyện của Bác Hồ.

Bàn làm việc, nơi Bác Hồ viết Di chúc.

Với giọng nói trầm ấm, truyền cảm, thuyết minh viên Bùi Thế Đông đã giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về sự ra đời của bản Di chúc: Tại tầng 2 của ngôi Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc lịch sử mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa. Người đặt bút viết những dòng đầu tiên là tháng 5-1965 và vào các năm sau, Người dành một khoảng thời gian nhất định vào dịp sinh nhật để sửa chữa, bổ sung bản Di chúc. Tháng 5-1969, Bác Hồ xem lại lần cuối cùng và không bổ sung gì thêm.

Người truyền cảm hứng cho nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế

Nói về bản Di chúc của Bác, đồng chí Nguyễn Văn Công cho biết: Bác Hồ là người suốt đời vì nước, vì dân, đến giờ phút cuối cùng trước lúc đi xa, Bác vẫn dành cho Đảng, cho dân. Như Bác nói, điều đầu tiên là phải thực sự trong sạch, vững mạnh khi xây dựng Đảng, luôn luôn cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Đọc Di chúc, Bác quan tâm đến tất cả mọi đối tượng, thể hiện trách nhiệm của Bác đối với Đảng, dân tộc. Ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp về Bác Hồ viết Di Chúc, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học, triển lãm để tuyên truyền hiệu quả nhất và có ý nghĩa nhất đối với khách tham quan về bản Di chúc lịch sử mà Bác Hồ để lại cho Đảng, cho nhân dân.

Là một cán bộ trẻ làm công tác thuyết minh viên tại đây, anh Bùi Thế Đông chia sẻ: Làm thuyết minh viên tại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm cuối đời. Đây là một vinh dự, bản thân tôi luôn cố gắng phấn đấu, học tập theo Bác. Bản Di chúc của Bác Hồ có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, đặc biệt là những căn dặn với thế hệ trẻ. Bản thân tôi có vinh dự được tiếp xúc với nhiều đoàn khách trong và ngoài nước. Hơn nữa được trực tiếp kể những câu chuyện của Bác Hồ đến du khách, tôi cảm thấy tự hào và cố gắng truyền đạt cho người nghe hiểu hơn về thông điệp, ý nghĩa to lớn của bản Di chúc. Những câu chuyện, bài học đó sẽ giúp cho du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống giản dị của Bác Hồ cũng như sự quan tâm của Người đến thế hệ thanh niên, ngay cả những giây phút cuối cùng của đời mình, Bác Hồ dành tình yêu trọn vẹn cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Du khách nước ngoài thăm nhà sàn Bác Hồ.

Anh James Martin, du khách người Australia bộc bạch: Tôi cảm thấy rất ấn tượng khi đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, qua lời giới thiệu của thuyết minh viên, giúp tôi hiểu rõ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn để dành độc lập, tự do giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam và khách quốc tế đến tham quan Khu di tích.

Du khách người Đan Mạch Torben Brodsgaard chia sẻ: Tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh sống giản dị, là lãnh tụ nhưng những vật dụng của Người rất đơn sơ. Trước khi đến Việt Nam, tôi chưa hiểu nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng sau khi đi tham quan Khu di tích này, tôi hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp, cuộc sống bình dị của Người.

Mỗi câu, mỗi chữ trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dồn nén bao cảm xúc, chứa chan tình yêu và sự gắn bó sâu xa với con người, thiên nhiên và cuộc đời. Muôn vàn tình cảm thân yêu của Người đã dành cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Bản Di chúc mãi mãi là áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc của nhân loại.

Theo KHÁNH HUYỀN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>