Trồng rau giữa trùng khơi

23/02/2018 | 07:56 GMT+7

Với bàn tay của các chiến sĩ ở Trường Sa, chuyện trồng rau xanh ngoài đảo không còn quá khó. Từ đây, những chồi non nhỏ bé liên tiếp được vươn lên kỳ diệu giữa trùng khơi để phục vụ lại cho con người.

Bộ đội trên điểm B đảo Đá Đông chăm sóc vườn rau xanh.

Đến Trường Sa vào mùa biển động mới thấu hiểu được phần nào điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Biển Đông. Điều này có tác động không nhỏ đến hoạt động tăng gia sản xuất. Sóng biển ầm ầm, mưa to, bão, gió biển mang theo hơi muối mặn thổi lên thảm thực vật, nhất là vào tháng 10 đến tháng 12 hàng năm là khoảng thời gian biển động mạnh nhất cộng với gió mùa Đông Bắc tràn về. Có năm xuất hiện nhiều cơn bão khắc nghiệt đến mức loài cây có sức chịu đựng dẻo dai như Phong Ba, Bàng Vuông phải trụi lá, tất nhiên không loại trừ vườn rau xanh. Nhưng trái với điều kiện thời tiết, vườn rau tăng gia trên các đảo nổi, điểm đảo chìm đều xanh tốt và phục hồi kỳ diệu sau những cơn bão.

Tại điểm B đảo Đá Đông, những cơn bão cuối năm 2017 gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động tăng gia. Nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã khắc phục ngay, cải tạo đất bị nhiễm mặn, xuống giống tiếp tục không để bộ đội thiếu rau xanh. Năm qua, đơn vị đã tăng gia được gần 1.900kg rau xanh. Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhờ tích cực tăng gia sản xuất nên đảm bảo 100% bữa ăn của bộ đội đều có rau xanh. Sức sống rau xanh nơi đây mãnh liệt do được bộ đội chăm bón, vun trồng kỹ lưỡng.

Chiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, điểm B đảo Đá Đông, cho biết: “Trên đảo có nhiều loại rau được trồng quanh năm như: mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải mầm… Đất và hạt giống được chuyển từ đất liền ra. Đầu tiên, chúng tôi phải dành một luống đất để gieo giống. Khi rau phát triển tốt mới chuyển rau về những luống đất khác trồng, chăm sóc hàng ngày. Nói về chuyện trồng rau thì anh em đồng lòng lắm, mọi người đều tập trung làm. Nhưng mỗi người có một nhiệm vụ, ai không có mặt thì người khác chăm sóc thay. Trồng có rau ăn, anh em trong đơn vị ai nấy đều phấn khởi…”.

Dù không được thời tiết ưu ái, nhưng dưới sự chăm sóc cần cù của bộ đội nên rau ngoài đảo ít sâu bệnh, ngọt, giòn và đúng nghĩa rau sạch. Đến khi những cơn gió mùa Đông Bắc tràn về trên biển, các anh phải che chắn kín khu vực trồng rau tránh gió biển, hơi muối tác động làm úng rễ, lá. Còn chuyện tưới tiêu là bài toán khó ngoài đảo, nhất là đảo chìm. Các anh phải dự trữ tiết kiệm nước trong mùa mưa cho đến tái sử dụng nước ngọt để tưới rau… Ở đảo Trường Sa Đông, vườn rau tăng gia nơi đây là niềm tự hào của bộ đội bởi đảo có hoạt động tăng gia sản xuất, đặc biệt là rau xanh tốt nhất quần đảo Trường Sa. Hiện nay, đơn vị đã tự cung tự cấp về rau xanh, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội. “Cán bộ, chiến sĩ chúng tôi rất trân trọng và phát huy có hiệu quả những vật phẩm như đất, hạt giống từ đất liền gửi ra. Đặc biệt là thường xuyên cải tạo đất, đề cao tinh thần trách nhiệm trong xen canh, trồng trọt. Phổ biến nhất là các loại mồng tơi, rau muống, rau dền”, trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông, cho biết.

Do mỗi đảo thuộc quần đảo Trường Sa có điều kiện về diện tích khác nhau nên việc trồng rau, tăng gia cải thiện bữa ăn cũng có những đặc điểm riêng. Còn tại đảo Trường Sa, việc tăng gia sản xuất được tổ chức bài bản hơn do đây là đảo nổi, có một số điều kiện thuận lợi để lập các khu trồng trọt tập trung.

“Đảo Trường Sa có nhiều vườn rau. Chúng tôi phát huy nội lực để tổ chức tăng gia, chia từng đơn vị, hộ gia đình để bà con có điều kiện chăm sóc cùng với cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi khắc phục việc thiếu nước ngọt bằng cách sử dụng tiết kiệm nước, sử dụng lại các nguồn nước đã dùng để tưới rau nên trên đảo tự túc được rau xanh. Nhiệm vụ tăng gia sản xuất rất được coi trọng, hoạt động tăng gia được quy hoạch tập trung, chăn nuôi vào một khu, trồng trọt riêng một khu vực để nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội và Nhân dân trên đảo”, trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, cho biết.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>