Tri ân Nhân dân có công với cách mạng

12/01/2018 | 09:53 GMT+7

Việc trao tặng, truy tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến cho Nhân dân, người có công với cách mạng là việc làm được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần làm tốt công tác chăm lo những người từng đóng góp công sức cho ngày giải phóng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao Huân chương kháng chiến cho các cá nhân và gia đình.

Vinh dự của cuộc đời

Những ngày đầu tháng 1-2018, niềm vui lớn đến với gia đình bà Lê Thị Rạng, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, khi bà được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Trò chuyện cùng bà, chúng tôi được biết, những năm chiến tranh ác liệt, gia đình bà vẫn một lòng với cách mạng. Khi còn trẻ bà tham gia giao liên, sau đó đi học y sĩ, rồi chuyển về công tác ở quân y. Năm 1972, khi địa phương thành lập Đội pháo binh nữ, bà đã tham gia. Đến năm 1975, trong trận đánh với quân địch, đội pháo binh nữ bị pháo chụp, 7 người hy sinh, còn bà thì bị thương ở chân, việc đi lại của bà Rạng khó khăn, nhưng bà vẫn tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất. Hòa bình lập lại, vợ chồng bà lam lũ, cật lực lao động để lo cho cuộc sống gia đình. Không chỉ phát triển kinh tế, bà Rạng còn thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động.

Ghi nhận những đóng góp của bà Rạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì cho bà. Ngày được nhận phần thưởng cao quý, bà Rạng xúc động cho biết: “Ngày xưa thấy giặc đến thì đánh, chỉ mong đất nước sớm im tiếng súng, chứ đâu có nghĩ đến ngày được tặng thưởng này nọ đâu. Với Huân chương Kháng chiến hạng Nhì được trao tặng lần này là niềm danh dự lớn nhất của gia đình”.

Cùng niềm vui với bà Rạng, bà Nguyễn Thị Trừ, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cũng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Theo lời bà Trừ, những năm chiến tranh ác liệt, dẫu chỉ có vài công ruộng nhưng gia đình bà siêng năng cày cấy, với mong ước lúa trúng mùa để có gạo tiếp tế cho bộ đội. Có những trận đánh, anh em bộ đội bị thương cần đến thuốc, bà Trừ đã tìm cách mua thuốc mang về để chữa trị cho bộ đội. “Nhiều lần tôi chở gạo, mua thuốc cho bộ đội, quân địch nghi ngờ, chúng bắt tôi lại tra khảo. Lúc đầu tôi cũng sợ lắm, bởi chúng lấy súng dí vào người tôi hàng tiếng đồng hồ. Song chúng không khai thác được gì ở tôi nên thả tôi về”, bà Trừ bộc bạch.

Nhìn Huân chương kháng chiến, bà Trừ xúc động không nói nên lời. Bà Trừ chia sẻ: “Đây là vinh dự rất lớn của gia đình. Trong cuộc sống hôm nay, tôi luôn giáo dục con cháu phải biết ra sức học tập, lao động, để trở thành người có ích cho xã hội”. 

Tri ân để đền ơn, đáp nghĩa

Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Nhờ đó, đời sống người có công với cách mạng ngày càng được nâng lên. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và sửa chữa 590 căn nhà tình nghĩa theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ (từ nguồn kinh phí tạm ứng của tỉnh 16 tỉ đồng). Phân công các đơn vị, ban ngành, địa phương thực hiện việc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Trao tặng, truy tặng 107 Huân chương, Huy chương kháng chiến, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ và Nhân dân có công. Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, người có công”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Phát biểu tại lễ trao tặng và truy tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến cho cán bộ và Nhân dân có công vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, gửi lời tri ân sâu sắc và chúc mừng các gia đình, những cá nhân là người có công với cách mạng đã được tặng, truy tặng hình thức khen thưởng cao quý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, qua 14 năm chia tách, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các đối tượng chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung, có sự quyết liệt hơn nữa trong giải quyết hồ sơ, tôn vinh người có thành tích trong kháng chiến cứu nước. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, các gia đình có công với cách mạng luôn là những tấm gương sáng để mỗi người soi rọi học tập và làm theo. Từ đó, góp phần xây dựng con người Hậu Giang đoàn kết, nghĩa tình, năng động, xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng phồn vinh và giàu đẹp”.

Toàn tỉnh có trên 35.600 gia đình chính sách. Trong đó, có 160 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; 21 Anh hùng lực lượng vũ trang; 5.740 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>