Tranh luận thẳng thắn, sôi nổi

31/10/2018 | 09:39 GMT+7

Ngày 30-10, Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XIV. Nhiều câu hỏi chất vấn nêu các vấn đề, như: Khắc phục ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ...

Nhiều chuyển biến tích cực sau chất vấn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Những vấn đề, lĩnh vực được Quốc hội giám sát chuyên đề chất vấn tại các kỳ họp đều là những nội dung quan trọng, được nhân dân và cử tri quan tâm. Qua những báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành. Tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề như thông lệ mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ trực tiếp chất vấn về các nội dung liên quan đến việc thực hiện 6 nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ĐBQH nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bảo đảm đúng thời gian quy định, người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề ĐBQH quan tâm; đồng thời, làm rõ trách nhiệm, phương hướng khắc phục trong thời gian tới.

Báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ với kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, thống nhất hành động, sâu sát thực tiễn, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm và vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, đề cao vai trò của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế, tồn tại mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận để có giải pháp kịp thời khắc phục, như: Chất lượng xây dựng thể chế chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn chậm; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả...

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm (Quốc hội khóa XIV), Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, đã tổng hợp được 2.115 kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao... Đến nay, 100% kiến nghị đều được xem xét, giải quyết và trả lời. Cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, đặc biệt là hoạt động chất vấn, tăng tính tranh luận, qua đó nhiều vấn đề mà cử tri gửi gắm đã được xem xét, giải quyết hiệu quả.

Khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông, làng nghề

Trong phần chất vấn, đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) đặt câu hỏi về tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và sông Đáy đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hứa giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục. Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, muốn sớm cải thiện môi trường của sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, trước hết phải xử lý tại nguồn, người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Vấn đề ô nhiễm của những dòng sông này có liên quan đến các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Hòa Bình. “Chúng ta đã có một đề án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông, trong đó có sông Nhuệ, sông Đáy. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.

Cũng liên quan đến tình trạng ô nhiễm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắc Nông) phản ảnh, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, nhất là các làng nghề sản xuất công nghiệp tái chế vẫn chưa được kiểm soát, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tích cực thanh tra, kiểm tra việc đáp ứng các yêu cầu môi trường đối với các làng nghề cũng như các cụm công nghiệp. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng làm rõ một số ý kiến của ĐBQH về quản lý đất đai, khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo nhất là với đất nông, lâm trường. Theo đó, Bộ TN&MT đã tập trung kiểm tra, thanh tra ở những khu vực xảy ra vi phạm. Trong 2 năm 2016-2017, ngành TN&MT đã tiến hành 1.000 cuộc thanh tra, thu hồi gần 10.000ha đất để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ

Nhiều ĐBQH đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về sắp xếp, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng làm rõ những giải pháp của Tổ công tác kiểm tra công vụ trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Tổ công tác kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm tổ trưởng đã tiến hành kiểm tra 12 đơn vị, tập trung vào nội dung về đạo đức công vụ, đề bạt, bổ nhiệm, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Trong đó, đã chỉ ra những vấn đề chấp hành chưa nghiêm quy định pháp luật, yêu cầu đơn vị tự khắc phục và kiến nghị xử lý trách nhiệm. Tổ công tác cũng xem xét những quy định của pháp luật chưa phù hợp để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Chia sẻ băn khoăn của ĐBQH về công tác cải cách hành chính (CCHC) chưa đạt yêu cầu, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bộ đã tham mưu với Chính phủ, thời gian tới sẽ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thanh tra, kiểm tra, phát huy hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng liên quan đến câu hỏi của ĐBQH về CCHC, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhìn nhận, quan trọng là tạo ra quyết tâm thay đổi về nhận thức, văn hóa hành chính, hành vi ứng xử của công chức khi thi hành công vụ. Trong kế hoạch CCHC của nhiệm kỳ này, liên thông thủ tục hành chính được coi là khâu đột phá, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tấn công vào sự cát cứ, phân lập các thủ tục riêng lẻ đang làm gia tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp...

Việc xử lý các dự án thua lỗ có nhiều tiến triển

Các lĩnh vực quản lý của ngành công thương cũng được nhiều ĐBQH quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá về việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành; giải pháp tiếp theo với dự án không thể hoạt động. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc xử lý các dự án này về cơ bản bảo đảm tiến độ, trong đó có 6 dự án, nhà máy đã khôi phục sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn; 2/6 dự án này đã bắt đầu có lãi. Một số dự án bắt đầu vận hành trở lại, chuẩn bị cung cấp sản phẩm ra thị trường. Riêng dự án nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ vì phần vốn của Nhà nước chiếm dưới 30% nên không tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Dự án này đầu tư sai địa điểm, sai phương án kinh doanh nên đang xem xét cho phá sản. Với dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do có vướng mắc với nhà thầu nên đang tập trung giải quyết tồn đọng, hoàn tất đầu tư; Chính phủ cũng đang đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước với Tổng công ty Thép Việt Nam là chủ đầu tư dự án này. “Việc xử lý các dự án thua lỗ tuy phức tạp nhưng đến nay đang tiến triển. Mục tiêu là giảm thiệt hại, bảo toàn vốn Nhà nước. Ngành công thương sẽ thực hiện các giải pháp toàn diện để tháo gỡ, giải quyết tồn đọng tại các dự án, xem xét xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã làm rõ về vấn đề truy nã tội phạm, xử lý “tín dụng đen”; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời về xử lý tin báo tố giác tội phạm, bồi thường oan sai; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời về sai phạm trong hoạt động xây dựng tại đô thị, tranh chấp ở các dự án xây dựng chung cư... Với một số vụ việc cụ thể, như: Vụ xử phạt người dân và doanh nghiệp khi đổi 100 USD tại cơ sở không được cấp phép xảy ra ở TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo xử lý, thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng quy định nào chưa hợp lý phải nghiên cứu sửa đổi.

Trong ngày đầu tiên chất vấn, đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và có tới 23 đại biểu tranh luận để theo tới cùng vấn đề. Do đó, không khí chất vấn rất thẳng thắn, sôi nổi. Ngày 31-10, Quốc hội tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo MẠNH HƯNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>