Trách nhiệm, nghĩa tình “hiến kế” theo “Tâm thư” của Bí thư Tỉnh ủy

01/07/2021 | 19:12 GMT+7

LTS: Đồng chí Lê Tiến Châu hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để phù hợp nội dung bài viết chúng tôi sử dụng chức danh Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.

Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Lê Tiến Châu (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), đã có “Tâm thư” kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động hiến kế ý tưởng, giải pháp mới, mang tính đột phá mà tỉnh cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, với trách nhiệm và nghĩa tình, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đã có những hiến kế phù hợp, mang tính xây dựng...

Qua Hội thi “Tìm hiểu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV” do Trường Chính trị tỉnh tổ chức, đã có nhiều hiến kế được gửi đến Bí thư Tỉnh ủy.

“Xin cảm ơn người đã dành nhiều tâm sức cho quê hương Hậu Giang”

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tâm huyết phát triển Hậu Giang của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt từ Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu như “ngọn lửa đủ nguồn khơi cháy”. Ngày 23-4-2021, Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu đã có “Tâm thư” kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động hiến kế ý tưởng, giải pháp mới, mang tính đột phá mà tỉnh cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cụ thể “Đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực”.

Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đưa nội dung “Tâm thư” của Bí thư Tỉnh ủy vào sinh hoạt lệ các chi bộ hàng tháng.

Cùng với Đảng bộ tỉnh, tập thể giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang nhận thức rõ tình cảm, trách nhiệm của mình với “tâm thư” của người đứng đầu tỉnh. Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Tuyết Loan chia sẻ: “Trước hết, chúng tôi cảm ơn đồng chí đã dành nhiều tâm sức cho quê hương Hậu Giang. Chúng tôi nhận thức rõ, chỉ có thực sự quý mảnh đất này, yêu người dân nơi đây bằng tình cảm tròn đầy mới có thể trải lòng như đồng chí qua tâm thư, không bằng mệnh lệnh lãnh đạo mà bằng máu nóng của trái tim. Đặc biệt, điều đó xuất phát từ một cán bộ luân chuyển như đồng chí. Xin cảm ơn, trân trọng và chúng tôi xem đây là một bài học quý cho mỗi bản thân người cán bộ hết lòng vì Nhân dân!”.

Với trách nhiệm, tình cảm của mình, Đảng bộ, Ban Giám hiệu và tập thể giảng viên, viên chức, người lao động và học viên của trường đã có những việc làm cụ thể, như: Viết bài tuyên truyền, phân tích bức tâm thư; động viên, khích lệ từng cá nhân suy nghĩ, góp ý từ việc nhỏ tích hợp thành việc lớn để tập thể Trường có tiếng nói chung góp cùng lãnh đạo tỉnh.

Đặc biệt, qua tổ chức Hội thi “Tìm hiểu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV”, Trường Chính trị tổng hợp thành 2 văn bản (1 tập thể, 1 cá nhân) góp ý, hiến kế với 7 nội dung gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh. Có những nội dung như giải pháp cho nhiệm vụ khó: Chuyển đổi số; Xây dựng chính quyền điện tử; Ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng yêu cầu chuyển đổi số trong ngành giáo dục; Xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung ở Trường Chính trị Hậu Giang; phát triển nguồn nhân lực; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cơ sở; Xây dựng Đảng về đạo đức cho đảng viên; Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang thích ứng tình hình phòng, chống đại dịch Covid-19… Ths. Huỳnh Thanh Tâm, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, nói: “Tôi chọn đề tài “Giải pháp nâng chất, đa dạng công tác tuyên truyền trong tình hình mới” với mong muốn góp cùng dân vận, mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh phương pháp vận động quần chúng để đạt chỉ tiêu 86% hộ dân tham gia đoàn thể như Nghị quyết đề ra và 86% đó chất lượng thật tốt”.

Là động lực, niềm tin để Hậu Giang vươn tới

Không chỉ góp ý, với đặc thù nhiệm vụ được giao, thông qua thư trả lời với “Tâm thư” của đồng chí Lê Tiến Châu, tập thể Trường Chính trị tỉnh còn mạnh dạn đăng ký, mong muốn được Thường trực Tỉnh ủy đặt hàng nghiên cứu khoa học cấp tỉnh 3 đề tài gồm: Mô hình chính quyền cấp xã ứng dụng công nghệ số đặc thù của Hậu Giang; Hình mẫu người Đại biểu dân cử - trách nhiệm với cử tri; Mô hình du lịch thích ứng tình hình, điều kiện, yêu cầu thực tế hiện nay.

Nhà trường cũng đã quán triệt tinh thần xung phong nhận việc khó động viên lực lượng cán bộ, giảng viên trong trường tham gia nghiên cứu, tổng kết thực tiễn góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, nhấn mạnh: “Vai trò của lực lượng trí thức mà cụ thể là lực lượng giảng viên của Trường Chính trị như dấu gạch nối quan trọng để Nghị quyết Đại hội Đảng đến với cán bộ qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Từ lực lượng đó, giảng viên tiếp tục nghiên cứu, đồng hành, hướng dẫn một số mô hình cụ thể để Nghị quyết có thể trở thành sản phẩm cho chính quyền và Nhân dân. Từ đó, chúng ta có đủ cơ sở tổng kết, phản biện cho văn kiện đại hội nhiệm kỳ tới tốt hơn. Đó là trách nhiệm và cũng là quyền của công dân”.

Ngày 15-6 vừa qua, Trường Chính trị tỉnh nhận được “Thư cảm ơn” từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu về những ý kiến, ý tưởng đóng góp của Trường theo Thư kêu gọi hiến kế của đồng chí, trong thư cảm ơn đồng chí viết: “Tôi nhận thấy những hiến kế, đề xuất của cơ quan, đơn vị là những ý kiến trí tuệ, sâu sắc và có giá trị thực tiễn cao… Thời gian tới, tôi sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh nghiên cứu, tiếp thu cao nhất để từng bước đưa những đề xuất, hiến kế vào cuộc sống”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan chia sẻ thêm: Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang sẽ khắc ghi phương châm “Xây dựng và phát triển quê hương là một chặng đường, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” mà đồng chí đã nhắn gửi, sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đóng góp thiết thực trong tham gia thực hiện hiệu quả Nghị quyết mà đặc biệt là 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra”.

THANH HIẾU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>