Trả lời kiến nghị của cử tri

04/05/2018 | 06:32 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Điểm yếu của lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hiệu quả sản xuất chưa cao, giá trị gia tăng thấp; sản xuất lúa thiếu tính bền vững; thất thoát sau thu hoạch lớn; chất lượng hạt gạo không đồng đều, gạo chưa có thưong hiệu... Nguyên nhân chủ yếu do quy mô nông hộ nhỏ, cơ giới hóa khó khăn; mối liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ.

Cử tri kiến nghị Chính phủ có chủ trương thí điểm các sàn giao dịch lúa gạo.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh tăng cường công tác phối hợp trong dự báo thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu lúa gạo; có chính sách ưu tiên nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất các loại giống tốt, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh, thích hợp với biến đổi khí hậu; có chủ trương thí điểm các sàn giao dịch lúa gạo mời thầu thu mua gạo cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nước ngoài, giúp nông dân tiêu thụ lúa chất lượng cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời:

Về việc Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh tăng cường công tác phối hợp trong việc dự báo thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu lúa gạo

- Để tăng cường công tác phối hợp trong việc dự báo thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 942 ngày 3/7/2017 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó quy định những giải pháp cụ thể trong tổ chức phối hợp các bộ, ngành, UBND các địa phương trong việc dự báo thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu lúa gạo, đồng thời đưa ra những định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo đối với từng thị trường cụ thể.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ NN&PTNT đã chủ động thực hiện thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản làm đầu mối của Bộ điều phối các hoạt động tổ chức xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản nói chung và thị trường gạo xuất khẩu nói riêng, trong đó công tác dự báo thị trường và tìm đầu ra cho nông sản chủ lực, nhất là mặt hàng gạo được tập trung ưu tiên. Đã xây dựng Đề án tham tán thương mại nông nghiệp tại nước ngoài trình Chính phủ, đồng thời kết nối chặt chẽ với tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài nhằm đẩy mạnh thu thập và cung cấp thông tin thị trường đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo của cả nước.

Bộ cũng đã xuất bản bản tin thị trường nông sản hàng tuần gửi đến các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội chuyên ngành, trong đó có Hiệp hội Lương thực Việt Nam để cung cấp thông tin (bao gồm cả dự báo thị trường) cho các doanh nghiệp hội viên. Chủ trì và phối hợp với Bộ Công thương và các sở NN&PTNT địa phương cử đoàn doanh nghiệp làm việc với các đối tác nước ngoài nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu gạo. Trong năm 2017 đã cử được các đoàn sang châu Phi (Bờ Biển Ngà), châu Á (Trung Quốc, Hồng Kông, Bangladesh, Philippines, Singapore,...);… kết hợp đẩy mạnh đàm phán, giải quyết những khó khăn đối với các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu gạo tới các thị trường này. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các địa phương thường xuyên tổ chức các festival lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long để kết nối nông dân sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa, gạo.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai Đề án phát triển Thương hiệu gạo quốc gia, trong đó chú trọng xây dựng và phát triển hình ảnh gạo chất lượng cao nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam. Thời gian tới, Bộ tiếp tục duy trì các hoạt động quảng bá mạnh mẽ thương hiệu gạo Việt Nam ngay tại thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng.

Về chính sách ưu tiên nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất các loại giống tốt, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh, thích hợp với biến đổi khí hậu

- Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1819 ngày 16 tháng 11 năm 2017. Trong các giải pháp thực hiện, giải pháp về khoa học công nghệ được đặc biệt quan tâm, đó là: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sâu bệnh.

Trên thực tế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, đầu tư nhiều chương trình, dự án cho các viện, trường, trung tâm. Bộ đã giao cho các đơn vị nghiên cứu hàng đầu về lúa gạo như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam,... tập trung nghiên cứu chọn tạo, phục tráng giống lúa tốt. Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương sản xuất theo hướng không tăng số lượng mà ưu tiên sản xuất những bộ giống có phẩm chất tốt, ổn định, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, dịch hại, có thời gian sinh trưởng phù hợp với điều kiện canh tác của vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị cao, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức quốc tế như: Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) xây dựng và triển khai bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, chú trọng đến việc chọn tạo bộ giống lúa thuần chủng chịu hạn, mặn, chất lượng cao, giàu protein, gạo dinh dưỡng, thích nghi với biến đổi khí hậu cũng như điều kiện canh tác lúa tại các khu vực có lợi thế trồng lúa trên cả nước.

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 639 ngày 2 tháng 4 năm 2014, về việc Phê duyệt quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể là: Xây dựng các vùng tập trung, các cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô khoảng 1,2 triệu ha gắn với các nhà máy chế biến lúa gạo xuất khẩu; trong đó, có 60% diện tích sử dụng các giống chất lượng cao, 40% giống chất lượng trung bình.

Về việc triển khai thí điểm sàn giao dịch lúa gạo

- Đây là một việc cần thiết nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản công bằng, minh bạch, hỗ trợ nông dân tiêu thụ được hết nông sản của mình với giá cả có lợi nhất. Chính phủ cũng đang thúc đẩy các hình thức tiêu thụ nông sản, trong đó có chủ trương thí điểm thành lập sàn giao dịch nông sản. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, cần cố gắng nỗ lực của nhiều bộ, ngành và UBND các địa phương.

Dự kiến lộ trình giải quyết về việc triển khai thí điểm sàn giao dịch lúa gạo:

Dự kiến đến năm 2019, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan trong Bộ, phối hợp với các bộ, ngành khác xây dựng sàn giao dịch nông sản thí điểm theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời sớm có tổng kết đánh giá việc thí điểm này để nhân rộng mô hình nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>