Trả lời kiến nghị của cử tri

12/01/2018 | 07:59 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bổ sung quy định người trực tiếp thờ cúng thương binh, bệnh binh được hưởng trợ cấp thờ cúng như gia đình liệt sĩ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được xây dựng trên cơ sở phù hợp với sự cống hiến, công lao của từng đối tượng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Liệt sĩ là người đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc, bản thân không được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Vì vậy, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có những quy định riêng đối với liệt sĩ như lễ an táng, truy điệu, xây dựng, quản lý các công trình liệt sĩ, chế độ thờ cúng liệt sĩ hàng năm...

Thương binh, bệnh binh cũng như các đối tượng người có công khác (cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ kháng chiến, Bà mẹ Việt Nam anh hùng,...), khi còn sống đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước như trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ về nhà ở..., khi từ trần thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí, trợ cấp một lần...

Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, chưa thể mở rộng đối tượng được Nhà nước trợ cấp tiền thờ cúng như ý kiến cử tri kiến nghị. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri để nghiên cứu, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước cho phép.

Cử tri kiến nghị:

Hiện nay tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cấm sử dụng được dùng trong sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều. Do phần lớn người dân thiếu hiểu biết đối với tác hại của một số loại thuốc bảo vệ thực vật nên sử dụng còn tràn lan dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và không an toàn thực phẩm. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật hạn chế, cấm sử dụng và quy định bắt buộc phải niêm yết tại các cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật.

Cần tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn nông dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn, hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 48 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam (hiện nay là Thông tư số 03/2016 ngày 20/4/2016 về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam; công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, Thông tư số 06/2017 ngày 08/3/2017 và Thông tư số 15/2017 ngày 14/8/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 03/2016 ngày 21/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam; công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam). Thông tư này được công khai trên website của bộ và các đơn vị quản lý chuyên ngành để phổ biến cho người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Mặt khác, nhằm mục đích để người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho người sử dụng, cụ thể:

1. Xác định cụ thể các nội dung cần truyền thông đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nhu cầu thông tin của xã hội.

Hoàn tất việc xây dựng Bộ tài liệu về chương trình, nội dung các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để thống nhất thực hiện trên toàn quốc theo quy định tại Điều 76 của Thông tư 21/2015 ngày 8/6/2015 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, nội dung cụ thể: hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, cách đọc nhãn thuốc bảo vệ thực vật, tác hại của thuốc bảo vệ thực vật với người sử dụng và cách phòng ngừa, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thuốc. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển mạng lưới nhân viên kỹ thuật bảo vệ thực vật cấp xã để tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn nông dân trong công tác bảo vệ thực vật, trong đó có việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn, hiệu quả.

2. Chỉ đạo địa phương lựa chọn chủ động các vấn đề cần tuyên truyền phù hợp với phương thức sản xuất của địa phương.

Năm 2016 các chi cục bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, tập huấn bổ sung kiến thức chuyên môn và văn bản pháp luật mới cho hộ kinh doanh thuốc; tập huấn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, xử lý thu gom bao bì sau sử dụng đúng nơi quy định đối với các hộ nông dân. Tổng số lớp đã tổ chức: 2.894 lớp với số lượng 138.745 người tham dự.

3. Xác định các phương thức truyền thông hiệu quả nhất phù hợp với thực tế địa phương.

4. Tuyên truyền biểu dương các điển hình tiên tiến, các mô hình mẫu trong sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

5. Quản lý, giám sát chặt chẽ đối với việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>