Trả lời kiến nghị của cử tri

02/06/2017 | 07:00 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Quốc hội có ý kiến về đường lối xử lý các vụ án vận chuyển, buôn bán hàng cấm vì tội phạm này ngày càng gia tăng và manh động.

Lãnh đạo Đoàn Luật sư tỉnh tham gia góp ý xây dựng pháp luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức. Ảnh: TRÍ THỨC

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, Chính phủ đánh giá, công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn nhiều hạn chế. Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân do công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi pháp luật, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện...

Qua giám sát công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Tư pháp đã báo cáo Quốc hội cụ thể về những bất cập, yếu kém trong quản lý nhà nước cũng như xử lý vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng cấm và tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đã đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, có giải pháp kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót; phòng ngừa, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, để góp phần hoàn thiện công cụ đấu tranh với tình trạng sản xuất, buôn bán hàng cấm và tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015 đang được hoàn thiện nhằm phù hợp hơn với các luật chuyên ngành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc cụ thể hóa về định lượng một số mặt hàng cấm phổ biến như: thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài, pháo nổ trong tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

Cử tri kiến nghị:

Quốc hội sớm ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai (tháng 10-2016) và thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2017). Nhưng tại thời điểm tháng 10-2016, Bộ Chính trị đang chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và cho đến thời điểm đó vẫn chưa có kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Nghị quyết này để có những chỉ đạo, định hướng mới nhất cho việc sửa đổi luật. Vì vậy, dự án luật này đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp thứ hai theo đề nghị của Chính phủ để có thêm thời gian tổng kết, nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng dự án và sẽ xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nghiên cứu và sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, quy định các chế tài xử lý, quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng có tính hiệu quả cao, tăng cường công tác giám sát,... để đáp ứng được mong muốn của người dân là hạn chế thấp nhất tình trạng tham nhũng xảy ra, hạn chế thất thoát ngân sách và tài sản của Nhà nước.

Cử tri kiến nghị:

Quốc hội, Chính phủ xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để góp phần phát triển kinh tế, quản lý tốt trật tự, an toàn xã hội.

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Trong nhiệm kỳ khóa XIII, ngoài việc sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 95 luật, pháp lệnh; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.058 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhìn chung, công tác xây dựng pháp luật đã có bước tiến mới, hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện, bám sát nghị quyết của Đảng, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển và bảo vệ đất nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo các công cụ quản lý hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>