Trả lời kiến nghị của cử tri

05/05/2017 | 08:27 GMT+7

Bà Nguyễn Thanh Thủy (đứng), Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu đóng góp xây dựng luật tại hội trường Quốc hội.

Cử tri đề nghị:

Xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự (BLHS) nhằm hạn chế lỗ hổng trong luật.

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Quá trình xây dựng BLHS năm 2015, Quốc hội đã quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo trong hoàn thiện chính sách hình sự thông qua việc quy định cụ thể, chi tiết về những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đối với các tội danh cụ thể, để thực hiện Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, BLHS năm 2015 đã luật hóa các quy định, hướng dẫn về tình tiết định tính, định lượng vào các điều, khoản.

Thực tiễn cho thấy, để áp dụng các quy định của BLHS năm 1999 về tình tiết định tính, định lượng, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan hữu quan phải ban hành nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết, trong đó nhiều tình tiết vẫn cần phải thực hiện giám định, định giá làm cơ sở định tội và định khung hình phạt. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật, tùy tiện, không phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013.

Do đó, qua tiếp thu ý kiến nhân dân, BLHS năm 2015 đã được xây dựng theo hướng cụ thể hóa tối đa các tình tiết định tính như: “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; lượng hóa về giá trị vật chất gây thiệt hại; xác định cụ thể thiệt hại về tính mạng, tỷ lệ tổn thương cơ thể; quy định những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội... với tổng số trên 200 điều luật.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, để khắc phục những sai sót của BLHS năm 2015, trong quá trình giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan rà soát kỹ, xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế, tránh việc chồng chéo định lượng hoặc bỏ sót định lượng mà BLHS năm 2015 gặp phải.

Cử tri đề nghị:

Quốc hội nghiên cứu xử lý hình sự, tăng hình phạt tử hình đối với những tội phạm nguy hiểm đến sản xuất, đời sống và sức khỏe người dân.

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, đồng thời, cụ thể hóa và bảo đảm thực thi các quyền, nghĩa vụ theo Hiến pháp 2013 như: quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 14 Hiến pháp); quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (Điều 20 Hiến pháp)... BLHS năm 2015 đã quán triệt yêu cầu về đề cao tính phòng ngừa và nghiêm trị kẻ phạm tội đối với các tội phạm phát sinh trong quá trình trực tiếp sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội về ăn, mặc, tiêu dùng cũng như tái sản xuất.

Đây là những trường hợp mà hành vi phạm tội có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của con người, đặc biệt là hành vi về sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, hàng giả; hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi...

Do đó, trong BLHS năm 2015, chính sách xử lý hình sự có sự phân hóa rất cụ thể, ngoài việc bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bảo đảm xử lý nghiêm minh và đồng bộ mọi hành vi phạm tội thì về hình phạt, đối với các tội mà hành vi phạm tội có khả năng trực tiếp gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của con người thì hình phạt chính là phạt tù, hình phạt tiền chỉ là hình phạt bổ sung. Đồng thời, giữ hình phạt tử hình ở tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, do tính chất đặc biệt nguy hiểm và khả năng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người.

Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hình phạt cao nhất là tù chung thân, bởi qua thực tiễn, các mặt hàng trên chủ yếu là hàng kém chất lượng, giả nhãn mác, khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng ít hơn so với làm giả thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; đối với các tội về sản xuất, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn giữ hình phạt cao nhất như hiện hành. Riêng tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, để đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, xử lý loại tội phạm này, hình phạt tù cao nhất được nâng lên 20 năm (hình phạt cao nhất của tội này theo quy định của BLHS năm 1999 chỉ là 15 năm tù).

Hiện nay, Quốc hội đang giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015. Chính sách hình sự chung của BLHS năm 2015 là hạn chế áp dụng hình phạt tử hình đối với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội danh cụ thể nào đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc kỹ và cũng đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, do đó chưa xem xét lại chính sách hình sự đối với hình phạt tử hình trong lần sửa đổi này.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>