Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Hậu Giang dựa vào tiềm năng, lợi thế để phát triển

08/02/2018 | 16:06 GMT+7

Dự và chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển” (tháng 9 năm 2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh) đã có nhiều gợi mở về hoạch định tầm nhìn và những giải pháp để Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững hơn.

Mười bốn năm thành lập, trên chặng đường xây dựng và phát triển, Hậu Giang luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: giá cả hàng nông sản không ổn định, tình hình mưa bão, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, nguồn thu ngân sách không đủ chi, nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư lớn... đã tác động không nhỏ đến sản xuất, đời sống Nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bù đắp lại Hậu Giang có những thuận lợi cơ bản đó là sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương; sự hợp tác, giúp đỡ của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành năng động của UBND tỉnh, sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị, nhất là sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Nhờ có những thuận lợi đó, nền kinh tế phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá. Các công trình trọng điểm được chú trọng đầu tư, y tế, giáo dục được quan tâm, quốc phòng - an ninh ổn định, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, xây dựng vững mạnh...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa) chứng kiến Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2012-2016 đạt 6,27%/năm. Trong đó khu vực I tăng bình quân 1,85%/năm; khu vực II tăng 6,86%; khu vực III tăng 7,74%. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, lợi thế từng vùng, từng ngành, từng sản phẩm đang được phát huy có hiệu quả; các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đạt mức cao và đa dạng hơn, sản xuất công nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng tăng chất lượng. Phát triển lực lượng sản xuất gắn với củng cố và xây dựng quan hệ sản xuất mới. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư, tích cực đầu tư mới đi đôi với nâng cao chất lượng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn làm động lực cho sự phát triển nhanh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chia tách từ Cần Thơ, khó khăn thuộc về Hậu Giang nhiều, là tỉnh nông nghiệp, nhưng đạt được những kết quả như vậy, chứng tỏ sự vươn lên rất cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn không ngừng được cải thiện. Tỉnh cũng đã phát huy vai trò trung tâm lúa gạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng được một số vùng lúa chất lượng cao, mía, cây ăn trái đặc sản và hình thành được một số thương hiệu sản phẩm có uy tín. Nhiều hộ gia đình trong tỉnh có mô hình kinh tế nông nghiệp tốt. Hậu Giang cũng đang quyết liệt chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, cao hơn mức bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá, lượng du khách tăng mạnh. Hậu Giang đã có những đột phá trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ngoài lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ có bước phát triển khá ấn tượng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Đến thời điểm diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh (tháng 9-2017), Hậu Giang có hơn 4.300 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 45,5 nghìn tỉ đồng; thu hút 489 dự án trong nước với tổng vốn hơn 123,4 nghìn tỉ đồng; 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 809 triệu USD. Hiện, Hậu Giang đã ổn định diện tích canh tác lúa 78.000ha, vùng nguyên liệu mía 11.000ha, vùng nguyên liệu khóm 2.000ha, vùng cây ăn trái 36.000ha và vùng nuôi trồng thủy sản 11.000ha. Hậu Giang có những chính sách ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư, như: miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10%; miễn từ 11 đến 15 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Với tiềm năng, lợi thế nêu trên, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 lĩnh vực: đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; xây dựng chợ đầu mối nông sản, đầu tư các nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; trong đó tập trung vào 7 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 300 triệu USD.

“Đây là cơ hội tốt để các đối tác đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, cập nhật hơn về tiềm năng, thế mạnh, văn hóa và con người Hậu Giang. Đặc biệt là nắm bắt rõ những chính sách, dự án kêu gọi đầu tư nhằm tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư, kinh doanh hiệu quả cũng như chia sẻ khuyến nghị mang tính xây dựng về chính sách, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững dựa trên đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất và sức cạnh tranh trong giai đoạn mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Tuy vậy, Hậu Giang cũng còn không ít khó khăn, thách thức, Thủ tướng chỉ ra, đó là tỉnh nghèo, phải nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương. Tỉnh có địa hình thấp, đứng trước thách thức biến đổi khí hậu như mặn xâm nhập, sạt lở, sụt lún đất. Bên cạnh nguồn lực còn yếu cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, những khó khăn của Hậu Giang còn ở nguồn vốn triển khai thực hiện quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh cũng còn hạn chế do xuất phát điểm thấp; chưa đáp ứng yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản. Hậu Giang còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống giao thông đường bộ chưa kết nối các vùng trong tỉnh và các địa phương lân cận. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm gần 27,7% cơ cấu kinh tế, nhưng lao động nông nghiệp vẫn chiếm tới trên 75% số lao động của tỉnh, mức cao so với cả nước. Nuôi trồng thủy sản quy mô còn nhỏ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững. Trong khi đó, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh mới chiếm trên 20% GDP. Số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn thấp với 400 dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân cả nước là 130 dân/doanh nghiệp. Hậu Giang cũng như nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có chỉ số phát triển xã hội thấp, dưới trung bình cả nước. Nguy cơ giảm nghèo chưa bền vững, tái nghèo cao. Một số mục tiêu, nhiệm vụ như tăng trưởng GDP, thu ngân sách và môi trường là những chỉ tiêu tỉnh phải cố gắng vượt bậc mới có thể hoàn thành.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng nhất thiết phải đặt trong tầm nhìn phát triển tổng thể của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một bộ phận hữu cơ thống nhất, không thể tách rời của vùng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần một quy hoạch chung, trên cơ sở đó, Hậu Giang và các tỉnh khác có thể phân công lao động, cùng hợp tác, cùng phát triển. Tuy nhiên, mỗi tỉnh cũng cần có cách làm sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang căn cứ vào quy hoạch toàn vùng để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, khai thác hạ tầng nước ngầm sao cho bảo vệ, gìn giữ tốt môi trường đất. Cần phấn đấu tiếp tục đổi mới, sáng tạo, năng động hơn nữa trong phát triển dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng phát triển kinh tế đa chức năng, nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến, phục vụ nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Tỉnh cũng cần chú ý xây dựng và phổ biến trong các hộ nông dân hệ thống tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch, an toàn. Phải chủ động tìm kiếm lợi thế so sánh để có hướng đi phù hợp như phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa vào diện tích trồng lúa lớn, bởi đây chính là lợi thế của Hậu Giang so với các địa phương khác. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, tránh thói quen cũ, cách làm cũ.

Tiếp tục quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng nhiều hơn nữa thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất. Hậu Giang phải xây dựng một số cây trồng, vật nuôi chủ lực ở địa phương. Tỉnh còn phải tìm phương án, cách làm tốt nhất để huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; trong đó xác định một số danh mục cấp bách để tập trung đầu tư. Địa phương cần chú trọng hơn công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền lợi và nhu cầu của Nhân dân. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tay nghề lao động nông thôn. Trong phát triển kinh tế, phải kết nối với các tỉnh trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng kỳ vọng Hậu Giang tiếp tục gia cường nền tảng xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền, không ngừng nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh. Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiếp tục gỡ bỏ các rào cản cho sự phát triển, tiêu biểu là môi trường đầu tư kém cạnh tranh, chưa tạo được niềm tin và khai thác được nguồn vốn trong dân. Các cấp chính quyền phải thật sự cầu thị, lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư để Hậu Giang được như lời một doanh nghiệp ví von: “Hậu Giang gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Thủ tướng căn dặn, tỉnh cần tạo động lực thật sự cho cán bộ làm việc, lấy sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả công việc. Chính quyền không chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất gì mà cần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường pháp lý, về thủ tục, về thông tin, về dịch vụ công, về tiếp cận thị trường… để doanh nghiệp tự ra quyết định và thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Đó là cách tiếp cận kiến tạo phát triển nhằm phát huy tính sáng tạo của thị trường, của các nhà đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp, cần có chiến lược kinh doanh dài hơi, bền vững, quá trình phát triển phải đề cao việc bảo vệ môi trường, phối hợp chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, cùng tỉnh nhà phát triển.

Thủ tướng tin tưởng, với sự chung tay và đồng hành của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển đúng như kỳ vọng.

LONG TẤN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>