Theo bước người thích lội đồng

08/02/2018 | 16:26 GMT+7

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2017 được gỡ, cũng là lúc anh Trần Công Chánh (Bảy Chánh), Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhận quyết định nghỉ hưu chính thức của Trung ương vào ngày 1-1-2018, theo nguyện vọng xin nghỉ trước tuổi của anh. Khi bài viết này được xuất bản trên báo xuân, hẳn anh đã phần nào có thể yên tâm “gác việc” tìm chút thư thả điền viên bên gia đình. Xin chia sẻ đôi điều về anh Bảy Chánh - một người gần gũi dân, thích lội đồng.

Anh Bảy Chánh (trái) thăm mô hình sản xuất mãng cầu xiêm của nông dân Út Kiều.

Trăn trở với sinh kế

Gió chướng về. Trời chớm lạnh như báo hiệu miền Tây chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tôi biết những khoảnh khắc này, anh Bảy Chánh có thể “gác việc”, tranh thủ thời gian đi nghỉ ngơi khi nhận quyết định, nhưng có lẽ cái duyên với “ruộng đồng”, với “hơi thở cuộc sống” vẫn níu kéo bước chân anh đến chia sẻ với những trăn trở từ cuộc sống người dân! 

Lịch công tác của Tỉnh ủy Hậu Giang, tuần cuối tháng 12-2017 có hai ngày 25 và 26-12 anh đi khám sức khỏe ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là điều dễ hiểu, có lẽ anh tranh thủ kiểm tra sức khỏe trước khi nghỉ hưu. Nhưng lúc này, cơn bão số 16 (Tembin) dự báo sẽ quét vào các tỉnh miền Tây. Thế là anh gác chuyện đi khám sức khỏe, cùng các lãnh đạo tỉnh trực, chung tay với người dân trong tỉnh lo ứng phó với bão Tembin. Bão Tembin suy yếu và tan trước khi vào đất liền. Anh Bảy thở phào nhẹ nhõm như hàng triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).   

Năm 2017, ĐBSCL đón lũ khá lớn. Hậu Giang là vùng đất trũng ở hạ lưu sông Mekong. Nước lũ về chậm nhưng thời gian “ngâm lũ” lâu hơn nhiều địa phương khác. Tháng 12-2017, nước lũ đã rút ở các tỉnh thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp nhưng vẫn còn ngập đồng ở nhiều vùng Hậu Giang. Anh Bảy Chánh cùng với nhiều lãnh đạo sở, ngành tiếp tục nhiều chuyến thị sát để nắm bắt sinh kế của người dân vùng mùa nước nổi. Trong đó, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ được xem là vùng đất khó, tiếp giáp với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu thường xuyên chịu những tác động nặng do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Đến tìm hiểu đời sống của người dân ở đây, anh Bảy Chánh dặn dò: “Việc người dân vùng giáp mặn, chuyển đổi mô hình từ độc canh cây lúa sang lúa - tôm là hướng tích cực tạo sinh kế ổn định. Các cán bộ khoa học phải tận tâm duy trì sự phát triển các mô hình sản xuất trên. UBND huyện Long Mỹ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh triển khai ngay phòng thí nghiệm để nghiên cứu khoa học về đất, nước, điều kiện sinh tồn các loài thủy sản nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Ngành chức năng và lãnh đạo huyện phải chăm bồi, tăng cường năng lực thích ứng hệ thống sản xuất của nông dân thay vì cố gắng để chống lại BĐKH; nắm bắt các cơ hội phát triển lớn của vùng trong điều kiện BĐKH, sẵn sàng đối phó với những tình huống BĐKH cực đoan xấu nhất”.

Những ngày cuối năm 2017, có dịp gặp anh Chín Đồng (Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT), anh cho biết: “Sau chuyến đi khảo sát thực tế mùa nước nổi 2017 với anh Bảy Chánh, đề án về sinh kế mùa nước nổi của người dân Hậu Giang đã bắt tay thực hiện”. Đây được xem như một cách tiếp thu nhanh chóng từ nhịp sống sinh động của người dân mà anh Bảy Chánh học được.

Cuộc gặp khó quên với một nông dân

Như mọi buổi sáng thường ngày, Út Kiều (Hồ Văn Kiều), nông dân ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chống xuồng từ nhà ra căn chòi lá để chăm sóc vườn mãng cầu xiêm. Tiếng máy tàu nổ vang ven kênh. Ghe máy dừng lại, Út Kiều đoán là đoàn cán bộ ghé thăm vườn mãng cầu xiêm. Không khó để Út Kiều nhận ra anh Bảy Chánh (Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) với chiếc nón tai bèo xanh. Cùng đi với anh có nhiều lãnh đạo của tỉnh, huyện và cán bộ xã. Anh Bảy Chánh hỏi thăm Út Kiều nhiều về cách chăm sóc, thu nhập từ mãng cầu xiêm.

Út Kiều tính nhẩm: “Với giá bán hiện nay mỗi gốc mãng cầu xiêm cho thu nhập 1 triệu đồng/năm. Với 1,2ha đất trồng mãng cầu xiêm, 5 công đất (trồng 120 gốc) vừa thu hoạch trái chiếng cũng được 120 triệu đồng. Tới đây, 7 công còn lại cũng cho trái, thu nhập chắc sẽ tăng gấp đôi”!

Thấy nước từ mương vườn lé đé bờ trồng mãng cầu, anh Bảy có vẻ lo lắng hỏi Út Kiều:

- “Liệu có bị ngập nước trong mùa nước nổi này không cháu”!

- “Dạ! Vườn cháu hiện tại có bờ bao khép kín ngon lành nên hông sao. Nhưng một số hộ dân ở ấp Mỹ Phú A hơi đuối khi tự bơm nước từ vườn ra - vì chưa có đê bao”, Út Kiều trả lời.

Ấp Mỹ Phú A, xã Mỹ Hòa, huyện Phụng Hiệp, còn nghèo, nhiều nơi chỉ có đường sông, chưa có đường bộ, chưa có đường điện... Anh Bảy quay sang trao đổi với một nhóm cán bộ: “Chúng ta nên xem xét xây dựng đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân ở đây tránh ngập lũ. Chuyện làm đường, kéo điện là phải làm gắn với thời điểm hợp lý, lộ trình cụ thể”! Nghe câu nói của anh Bảy, Út Kiều nở nụ cười mừng rơn!  

Anh Bảy Chánh đi tìm hiểu mô hình trồng sen mùa nước ở Hòa Mỹ.

Vài ngày sau, có dịp trở lại Hòa Mỹ, Út Kiều tâm sự với tôi: “Qua báo đài tôi biết, chú xin nghỉ về hưu trước tuổi. Trước nhứt, tôi hiểu và chia sẻ với lựa chọn của chú Bảy. Sau này, tôi mới biết hôm ấy chú đã đi thăm nhiều mô hình sản xuất của nông dân trong xã. Người dân trong xóm giờ rất ấm lòng kể chuyện: Hôm ấy, chú Bảy Chánh đã mang theo quà là đường, sữa, gạo... tặng cho chú Bé Bảy (Nguyễn Bé Bảy, ở ấp 3, xã Hòa Mỹ). Chú Bé Bảy là một trong những người đầu tiên nuôi vịt trời ở Hòa Mỹ nhưng hiện bị bệnh ung thư khá trầm trọng. Ghé thăm mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá của anh Ba Ngon (Nguyễn Văn Ngon - người cùng ấp với tôi). Nghe đâu anh Ba Ngon và chú Bảy Chánh giành bơi xuồng ba lá đi thăm ruộng sen. Hôm ấy, Ba Ngon chỉ chặt mấy trái dừa xiêm đãi đoàn cán bộ đến thăm. Dân trong xóm mách nhỏ nhau: “Ba Ngon khư khư giữ hai tờ tiền năm trăm ngàn đồng chú Bảy lì xì”. Có người chọc vui: “Bán mấy trái dừa xiêm mà được cả triệu bạc”! Với không ít người dân chúng tôi, hình ảnh chú Bảy Chánh rất gần gũi, được dân tin và yêu thương. Chú đi thăm rất nhiều gia đình nông dân, tìm hiểu các mô hình sản xuất... Đó là tấm lòng của chú dành cho dân. Người dân ở đây nghe tin chú về nghỉ hưu trước tuổi không ít tiếc nuối. Đó cũng là đạo lý ở đời, khi cán bộ đã tận tâm dành tình cảm, công việc để phục vụ nhân dân, chắc rằng họ sẽ nhận lại sự tin tưởng và yêu mến của người dân”!

“Vùng đất không nghỉ ngơi”

Nghe tâm sự của Út Kiều, tôi chợt nhớ đến chuyện anh Nguyễn Văn Vui (Sáu Vui), Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, kể gần hai năm trước: “Đó là một ngày đầu thu, vài thửa lúa ven đường nối Vị Thanh - Cần Thơ bị vàng úa khi “đương thì con gái”! Đang ngồi trực ở văn phòng, chuông điện thoại reo, tôi bắt máy: “Dạ, em nghe anh Bảy”! Giọng bên kia vang lên: “Anh Bảy đây. Sao lúa của nông dân đương thì mà vàng úa vậy”! Phải mất ít phút để giải thích với anh về một số diện tích lúa nằm cặp bên đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đang nhiễm bệnh. Anh Bảy dặn dò: “Nhớ cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sát sao, đưa ra cảnh báo kịp thời và hướng dẫn nông dân cách điều trị bệnh và phòng bệnh cho cây lúa. Đợt hạn rồi nông dân chịu nhiều thiệt hại giờ là vụ gỡ gạc lại đó”…

“Hậu Giang chỉ mới chia tách tròm trèm 14 năm, bộ mặt của tỉnh từ nông thôn đến thị thành đã có nhiều thay đổi trong đó có huyện Vị Thủy. Song, nhìn toàn diện Hậu Giang vẫn cần phải làm nhiều việc để hội nhập với các tỉnh trong vùng. Chúng tôi ý thức sâu sắc được điều đó! Cuộc sống vẫn tiếp nối. Những trăn trở của Hậu Giang vẫn cần có đội ngũ cán bộ tâm huyết để kết nối truyền thống. Và chúng tôi luôn nhớ và thèm những cuộc gọi điện thoại tựa như: “Sao lúa đương thì mà vàng úa màu thế” của anh Bảy Chánh! Bởi những cuộc gọi như thế đã giúp đội ngũ cán bộ như tôi trưởng thành và gần dân hơn”, anh Sáu Vui tâm sự như một lời chia tay đầy kính trọng với anh Bảy Chánh!

Trước đây, Út Kiều đảm trách công việc phó trưởng ấp, trưởng công an, phó bí thư chi bộ ở ấp Mỹ Phú A. Giữa năm 2016, cha mẹ mất, nặng gánh gia đình, Út Kiều xin phép với Đảng ủy địa phương: Xin miễn nhiệm công việc ở ấp vài năm để chăm lo kinh tế gia đình, khi nào kinh tế gia đình ổn định sẽ quay lại công tác.

Hôm ấy, trước khi anh Bảy Chánh rời đi, anh Sơn (cán bộ ở xã), mới nói: “Út Kiều là đảng viên đấy anh Bảy, trước làm việc ở ấp. Xin nghỉ vài năm về làm kinh tế”! Nghe câu này, anh Bảy dừng lại và ngoắc Út Kiều tới, sau khi vỗ vai, anh Bảy dặn dò: “Út Kiều! Thôi việc là chuyện riêng gia cảnh nhưng không được bỏ Đảng. Cố gắng nhe. Nhớ đó”!

“Lúc đó, tôi cảm thấy rất mang ơn lời dặn của chú Bảy. Cảm nhận của một nông dân, chú Bảy là người gần dân. Gần dân mới quan tâm tìm hiểu cách thức dân làm. Hiểu dân làm mới đốc thúc công việc hiệu quả. Nói một cách dân dã của người quê: Chúng tôi mong và tin rằng: Thế hệ tiếp nối có nhiệt quyết, tận tâm với nông dân y chang như chú Bảy Chánh! Giờ có nhiều đêm cứ trăn trở với vườn mãng cầu xiêm nhưng tôi đã quyết tâm: Cỡ nào cỡ, dù công việc gia đình có nặng mấy cũng không bỏ Đảng. Nhớ và cám ơn chú Bảy Chánh”, Út Kiều chia sẻ.

Còn không ít khó khăn nhưng giờ người dân Hậu Giang đón Tết Mậu Tuất đã tươm tất hơn. Hẳn không ít người nhắc và nhớ đến anh Bảy Chánh - người dành nhiều tâm quyết cho ruộng đồng! Với riêng tôi, luôn suy nghĩ nhiều về câu hỏi của anh Bảy Chánh: Tại sao người ta nói: “Hậu Giang là vùng đất không nghỉ ngơi”! Câu hỏi đó, tôi cảm nhận như gửi gắm đồng hành niềm tin của anh Bảy Chánh với người dân trồng lúa ven đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, người trồng khóm Cầu Đúc (Vị Thanh), bưởi Năm Roi (Châu Thành), trồng mía, trồng sen (Phụng Hiệp), nuôi tôm (Long Mỹ). Hẳn không chỉ là mùa vụ tiếp nối mùa vụ, “Hậu Giang - vùng đất không nghỉ ngơi”, chắc rằng còn nội hàm luôn gắn bó với ruộng đồng; phải tiếp nối thay đổi tư duy sản xuất từ những trăn trở và khát vọng làm giàu chính đáng của nông dân. Tôi nghĩ, đó cũng là gửi gắm của anh Bảy Chánh - người con đất Hậu Giang, luôn chú tâm lội đồng tìm sinh kế cùng nông dân!

CHÂU TỬ VĂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>