Tháng 7 tri ân

27/07/2018 | 08:31 GMT+7

Tháng 7 về, mỗi người lại nhắc đến chuyện tri ân, đáp nghĩa. Sau gần 15 năm thành lập tỉnh, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song Hậu Giang đã thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, góp phần bù đắp nỗi đau chiến tranh mà các gia đình phải gánh chịu.

Bà Để (hàng sau, thứ 4 từ phải sang) phấn khởi khi được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa.

Là trách nhiệm, là đạo lý

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” diễn ra quanh năm, nhưng trong tháng 7 lại càng diễn ra sôi nổi, với nhiều hoạt động thiết thực. Những ngày này, gia đình bà Trần Thị Nở, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, hết sức vui mừng vì cả nhà đã được dọn vào ở trong căn nhà mới vững chãi. Bà Nở là con liệt sĩ gặp khó khăn về nhà ở. Nhiều năm qua dẫu vợ chồng bà cố gắng làm lụng, tiết kiệm trong mọi chi tiêu nhưng vẫn không đủ kinh phí để sửa lại căn nhà vốn đã lụp xụp. Thấu hiểu và chia sẻ trước hoàn cảnh của gia đình, chính quyền địa phương đã xét hỗ trợ xây căn nhà tình nghĩa theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày dọn vào nhà mới, bà Nở hết sức vui mừng xúc động. Bà Nở cho biết: “Ngày xưa giặc giã, cha tôi đã lên đường làm nghĩa vụ của người trai đối với Tổ quốc, nào ngờ cha đã ra đi mãi mãi. Tri ân những đóng góp của gia đình, địa phương đã xem xét hỗ trợ căn nhà tình nghĩa”.

Căn nhà tình nghĩa được xây dựng không chỉ là nơi để thờ cúng liệt sĩ, mà còn thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay với những người từng có công với đất nước. Theo bà Nở, căn nhà tình nghĩa được xây dựng là món quà vô cùng ý nghĩa, là niềm động viên lớn lao giúp gia đình có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Niềm vui của gia đình bà Nở cũng là niềm vui chung của hàng ngàn hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 trong năm nay. Để đảm bảo cho các đối tượng người có công được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc việc rà soát, bình xét đối tượng, đảm bảo khách quan, công bằng. Bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết: “Năm 2018, địa phương có 451 gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở. Đến nay, các căn nhà đều hoàn thành, đảm bảo theo tiêu chí 3 cứng”.

Sau gần 15 năm thành lập tỉnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, xem đó là đạo lý, là trách nhiệm đối với những người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc để chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay. Trong đó, xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách được xem là điểm nhấn đẹp.

Mãi mãi tri ân

Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hóa sâu rộng, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân địa phương. Với nhiều hình thức phong phú như xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ… Thông qua đó, phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh. Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Huế, ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Chiến tranh đã cướp mất 3 người thân yêu nhất của Mẹ. Trong cuộc sống hôm nay, Mẹ luôn nhận được sự quan tâm của mọi người. Chính những tình cảm ấy giúp Mẹ sống vui, sống khỏe”.

 Nhìn 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt trang nghiêm trên bàn thờ, Mẹ Huế kể, chồng Mẹ tham gia cách mạng từ thời trai trẻ, đến năm 1962 ông hy sinh. Trước nỗi đau mất chồng, mất cha, Mẹ cùng hai người con tiếp tục lên đường chống quân xâm lược. Đến năm 1968, người con trai thứ 2 Nguyễn Văn Chiến hy sinh. Khi đồng đội báo tin con hy sinh, Mẹ như ngã quỵ. Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, đến năm 1974, người con gái thứ 3 của Mẹ là Nguyễn Thị Kim Hó cũng hy sinh. Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, trong cuộc sống hôm nay, Mẹ luôn giáo dục con cháu phải ra sức học tập, lao động, cống hiến công sức của mình vào sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước.

Tiếp tục phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm tỉnh đều tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, cho biết: “Công tác chăm lo gia đình chính sách là một trong những nhiệm vụ được địa phương thực hiện thường xuyên. Thời gian qua, huyện đã thực hiện xã hội hóa từ trong nội bộ đến quần chúng Nhân dân, để chăm lo, giúp đỡ các gia đình. Thực hiện Nghị quyết 07 của Huyện ủy về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong gia đình chính sách, đảng viên thuộc hộ nghèo, hiện nay huyện không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân công các phòng, ban, ngành ở huyện phụ trách các ấp, để tạo điều kiện, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ngoài ra, chỉ đạo thực hiện tốt việc tu sửa, nâng cấp Nhà bia ghi tên liệt sĩ... Với nhiều hoạt động, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào rộng khắp, góp phần giúp nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ có điều kiện phát triển kinh tế, cống hiến vào sự phát triển chung của toàn xã hội”.

Dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018) năm nay, tỉnh sẽ thành lập các đoàn đến thăm và tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố vận động thêm kinh phí để tổ chức thêm nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa khác. Đồng thời, các hoạt động viếng nghĩa trang, dâng hương mộ liệt sĩ cũng được các sở, ngành, đoàn thể các cấp thực hiện trong dịp này. Từ đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tinh thần tri ân đối với những người anh hùng đã khuất vì nền hòa bình độc lập của dân tộc.

Sự hy sinh, cống hiến của các mẹ Việt Nam anh hùng, những liệt sĩ, thương binh... là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng lịch sử. Trân trọng, tri ân trước những đóng góp thiêng liêng ấy, Hậu Giang luôn thực hiện tốt những hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những việc làm thiết thực ấy không chỉ có ý nghĩa về mặt đạo lý, mà còn góp phần tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh:

“Tiếp tục làm tốt công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng cho người có công”

- “Dù Hậu Giang vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nghĩa tình sâu nặng, tỉnh nhà luôn thực hiện tốt công tác chăm lo, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh đã thường xuyên chăm sóc sức khỏe các mẹ, mong các mẹ sống vui, sống khỏe để thấy quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Ngoài ra, với trách nhiệm và lòng tri ân sâu sắc, Đảng bộ và Nhân dân Hậu Giang đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với nước ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn.

Gần 15 năm qua, từ nguồn vốn Trung ương, địa phương và vận động xã hội hóa, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa hàng chục ngàn căn nhà tình nghĩa để giúp các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách có nơi ở yên ấm. Ngoài ra, thực hiện đối thoại với gia đình chính sách, người có công, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như lắng nghe ý kiến của các gia đình trong việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công trong thời gian qua của tỉnh nhà…

Những gì làm được có lẽ chỉ bù đắp được một phần nhỏ những mất mát, hy sinh của các bà, các mẹ, các liệt sĩ đã hy sinh, hay những thương binh bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường… Để thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành cần quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công, làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ. Tiếp tục làm tốt công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng cho người có công. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh và người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi người có công với cách mạng”.

 

- “Theo tôi, tấm lòng tri ân không chỉ được thể hiện trong ngày 27-7, mà phải được thực hiện thường xuyên trong tất cả các ngày trong năm, nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh vốn dĩ đã hằn sâu bao năm tháng”, ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, nhấn mạnh.

 

Toàn tỉnh có trên 35.600 gia đình chính sách. Trong đó, có 143 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 21 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trên 5.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 12.000 liệt sĩ... Từ đầu năm đến nay, từ nguồn vận động xã hội hóa đã xây dựng, sửa chữa 103 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Đồng thời, xây dựng và sửa chữa 3.822 căn nhà tình nghĩa theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>