Thăm lại ông “giáo làng” dạy sử

15/02/2018 | 10:08 GMT+7

Cách đây 5 năm, tôi có dịp gặp ông Năm Thanh (Văn Đình Thanh), ở ấp Thạnh Mỹ A, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, là cựu chiến binh “đóng vai” ông giáo làng truyền dạy lịch sử cho học sinh địa phương bằng những bài hát truyền thống.Bây giờ gặp lại, ông khoe lớp học của mình đã được “nâng cấp” lên thành câu lạc bộ hát nhạc truyền thống của huyện hẳn hoi.Đó như sự đền đáp xứng đáng cho bao tâm huyết mà cựu chiến binh này bỏ ra suốt hơn 20 năm ròng.

Ông Năm đã truyền niềm đam mê học sử cho nhiều học sinh ở địa phương.

Nhớ lần xuống gặp ông cách đây mấy năm, bây giờ trong đầu tôi vẫn thoang thoáng về lớp học với nhiều thứ… đặc biệt. Đặc biệt vì lớp học với “người thầy” là cựu chiến binh chẳng có chứng chỉ “hành nghề”; lớp học với học sinh không cùng tuổi, đứa mới lên 5, còn đứa thì cao nhòng ở tuổi 15; lớp học mà học sinh chẳng những không đóng học phí mà còn được nhận quà…

Tiếng thơm của lớp đã lan rộng khắp nơi khiến nhiều bậc cha mẹ ở xã Bình Thành và các xã lân cận đến xin cho con em vào học. Vì vậy, sĩ số lớp luôn duy trì ở mức 30-70 em, chủ yếu đang học cấp 1, cấp 2.

Về thăm lại lớp dạy sử đặc biệt lần này, tôi nhận ra đã có những thứ thay đổi theo thời gian: Mái tóc của ông Năm có nhiều hơn những sợi bạc; một số học sinh từng tiếp xúc 5 năm trước giờ đã không còn đến lớp vì trưởng thành, có người được vào giảng đường đại học... Nhưng những thứ mà tôi ấn tượng nhất và nhớ nhất đến nay vẫn vậy. Cũng ở bên hiên nhà cũ kỹ của mình, ông Năm vẫn ngồi trên chiếc bàn gỗ hoen ố thời gian, tay cầm cây đàn mandolin thả hồn vào những điệu nhạc hào hùng của các ca khúc cách mạng. Phía bên dưới, bọn trẻ ngồi gom tụ lại thành một nhóm và nhiệt tình hát vang:

Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân

Đi lính hơn năm trường vừa mới được huân chương…

Những ca từ trong bài hát “Có anh Ba Hưng” của tác giả Trần Kiết Phương được hát đi hát lại nhiều lần trong mỗi buổi học đã gieo vào tâm hồn và nhận thức của bọn trẻ về chiến tích anh hùng của anh Ba Hưng (Hứa Hòa Hưng, quê ở tỉnh Bạc Liêu; là đại tá pháo binh) từng khiến quân thù khiếp sợ. Hay giai điệu đầy hùng tráng của bài “Nam bộ kháng chiến” giúp các em hiểu hơn về dũng khí đấu tranh của cha ông ngày trước khi “sơn hà nguy biến”…

Sau mỗi bài hát, ông Năm còn giải thích thêm về tác giả, hoàn cảnh ra đời của nó, các trận đánh hay, những nhân vật quan trọng trong sự kiện đó để các em nắm vững thêm kiến thức.

Ngoài ra, lịch sử tỉnh nhà cũng được ông giảng thành bài riêng, chẳng hạn lịch sử hình thành tỉnh Hậu Giang; rồi xã Bình Thành có bao nhiêu liệt sĩ, bao nhiêu bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Tấm lòng của ông Năm dành cho bọn nhỏ vẫn đong đầy như ngày nào. Thấy trên tay tôi kệ nệ mang 100 quyển tập đến tặng, ông thay mặt bọn trẻ cảm ơn không ngớt. Không chỉ có tôi, hễ gặp ai ông cũng vận động tặng tập, viết để phục vụ cho “lớp học đặc biệt” của mình. Bởi ngoài đánh đàn dạy bọn trẻ hát, ông cố gắng duy trì phần đố vui với giải thưởng là quyển tập, cây viết do mạnh thường quân gần xa hỗ trợ. Nhờ vậy mà bọn nhỏ rất thích thú và đứa nào cũng say sưa tìm hiểu thêm kiến thức lịch sử để có thể “cạnh tranh” nhận quà của ông Năm.

Mấy ai biết được, dù gia đình chẳng khá giả, nhưng không ít lần ông bỏ tiền túi và vận động thêm mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí dẫn lũ trẻ tham quan Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ,... để chúng hiểu biết thêm lịch sử tỉnh nhà.

Cứ vậy, hơn 20 năm qua, ông để hết tâm sức truyền đam mê học sử đến nhiều lứa trẻ vùng quê, giúp các em yêu mến và tự hào về sử sách dân tộc.

Những dòng lịch sử trong những buổi “học mà chơi, chơi mà học” ấy đã được nhiều em vận dụng có hiệu quả vào việc học tại trường. Có những em được ông Năm truyền cảm hứng và tình yêu về môn lịch sử đã quyết chọn thi đại học khối C. Và vậy là mỗi độ thi giữa học kỳ hay cuối năm là bọn trẻ lại đến nhờ ông… tư vấn thêm kiến thức để làm bài thi tốt hơn.

Nghe tiếng ông Năm dạy sử vừa hay lại thú vị nên em Võ Phi Long, ở ấp Thạnh Mỹ A, một mực đòi cha mẹ dẫn đến lớp của ông Năm cách đây hơn 6 năm. Từ đó đến nay, Long ít khi vắng học vì đã trót… nặng tình.

Nhờ ông Năm dạy dỗ mà Long biết rõ những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và địa phương. Tình yêu với môn lịch sử cứ lớn dần theo năm tháng nên em nuôi ý định chọn thi đại học khối C khi học hết cấp 3. Long chia sẻ: “Ông Năm đã yêu thương, dạy dỗ chúng em như những đứa cháu… ruột trong gia đình. Chúng em học ở ông không chỉ có kiến thức lịch sử mà còn cả đạo lý làm người để sống vẹn tròn trước sau như chính tấm gương của ông bây giờ”.

Còn đối với em Nguyễn Thị Cúc, ông Năm được coi là ân nhân của cả gia đình. Chuyện là cách đây 3 năm, khi biết vì hoàn cảnh khó khăn mà Cúc không có tiền cất lại căn nhà xập xệ nên ông đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ 20 triệu đồng cất mới. “Gia đình em biết ơn ông Năm suốt đời!”, Cúc bộc bạch.

Lớp dạy sử của ông Năm luôn rộn rã tiếng cười.

Lần này gặp lại, thấy ông Năm không còn khỏe như trước, nhưng tôi cảm nhận ngọn lửa nhiệt huyết với nghề giáo… nghiệp dư của ông vẫn còn rạo rực lắm. Ông Năm quả quyết, chỉ khi nào hai bàn tay không còn đủ sức để đánh đàn mandolin; đôi tai không còn nghe rõ tiếng bọn trẻ hát thì sẽ dừng việc dạy sử.

Trước khi ra về, tôi ngỏ ý muốn nghe ông Năm đệm đàn cho mấy đứa nhỏ hát lại bài “Nam bộ kháng chiến”. Lời ca, tiếng nhạc ấy cứ vang vọng trong tôi, rồi chợt nhận ra xã hội này rất cần những người như ông Năm Thanh để góp phần thực hiện được lời dạy của Bác Hồ: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam!

Xuất thân từ quân đội, sau khi về hưu, ông Năm Thanh gắn với công việc đồng áng, ruộng vườn.

Hơn 20 năm trước, thấy bọn trẻ ở quê chưa hiểu nhiều về lịch sử nên ông Năm cùng ông Sáu Quý - một cán bộ về hưu, mở lớp dạy sử bằng các bài hát truyền thống. Lớp học mở được 1 năm thì ông Sáu Quý mất, một mình ông Năm Thanh vẫn bền bỉ duy trì cho đến nay.

Lớp học hoạt động đều đặn vào ngày chủ nhật hàng tuần, riêng những tháng hè, ông Năm cố gắng sắp xếp thời gian để dạy 3 buổi/tuần.

 

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>