Những thương binh giàu nghị lực

13/07/2017 | 09:08 GMT+7

Trở về với cuộc sống thời bình, những thương binh từng cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình, độc lập của dân tộc lại tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận khác, là xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kinh tế gia đình ngày càng khá giả...

Ông Su luôn nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống.

Ở ấp Mỹ Thành A, xã Hòa Mỹ, người thương binh 4/4 Nguyễn Văn Su được bà con hết lời khen ngợi, nể phục bởi sự dũng cảm trong thời chiến và sự chăm chỉ, cần cù lao động của ông trong cuộc sống hôm nay. Ông tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi đầu. Lúc đó, ông đảm nhận vị trí giao liên, thường xuyên đưa thư cho bộ đội của ta. Đến năm 16 tuổi, ông gia nhập Tiểu đoàn Tây Đô. Trong những năm tháng ấy, ông đã tham gia đánh nhiều trận ở chiến trường Lái Hiếu Phụng Hiệp. Năm 1973, trong trận đối đầu với quân địch ông đã bị thương ở bụng, phải phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột. Đến năm 1974, ông lại bị thương ở đùi. Hòa bình lập lại, ông cầm trên tay giấy xác nhận thương binh 4/4 và trở về quê hương.

Trở về quê hương khi đất nước hòa bình là niềm hạnh phúc vô bờ. Với chiếc ba lô trên vai và đôi bàn tay chai sần, ông Su lao vào lao động sản xuất. Những năm ấy, ông miệt mài làm ruộng, không chỉ làm đất nhà, ông còn mượn đất ở tận xã Hòa An để làm. Ông Su nhớ lại: “Trong đầu tôi luôn nghĩ, lúc trước giặc đến thì mình cầm súng đánh, hòa bình rồi, phải tiếp tục chiến đấu để chống lại đói nghèo. Nghĩ vậy, nên tôi cố gắng làm, chỉ mong sớm thoát khỏi cảnh đói nghèo”. Hàng ngày, ông phải “một nắng hai sương” xoay trần giữa vùng đất cằn cỗi do bom đạn chiến tranh để gây dựng cơ nghiệp. Với quyết tâm của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Su từng bước tạo dựng được cuộc sống ổn định và ngày càng khấm khá. Hiện nay, ông sở hữu căn nhà khang trang, 10 công đất ruộng, 6 công vườn trồng cam. Ngoài ra, ông còn cho công ty vật liệu xây dựng thuê bãi đổ vật tư 20 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập hiện có, cuộc sống gia đình ông ngày càng phát triển.

Cũng như ông Su, ông Cù Văn Bảy, ở xã Tân Bình, cũng từng tham gia và bỏ lại ở chiến trường một phần của cơ thể. Hòa bình lập lại, ông Bảy vẫn tiếp tục lăn xả thực hiện những mô hình kinh tế phù hợp để vươn lên làm giàu. Nhớ lại thời gian cho cuộc hành trình làm kinh tế trong thời bình, ông Bảy xúc động: “Đất nước hòa bình, tôi được trở về với quê nhà, gia đình là điều may mắn, bởi nhiều đồng đội của tôi đã ra đi mãi mãi. Vì vậy, bản thân tôi luôn suy nghĩ, là thương binh tàn nhưng không phế, với ý chí nghị lực của người lính Bộ đội Cụ Hồ tôi phải làm gì để cải thiện cuộc sống. Cuộc sống càng khó khăn càng nung nấu trong tôi lòng quyết tâm phải thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Và tôi bắt đầu cuộc hành trình ấy từ mô hình chăn nuôi heo”.

Những năm đầu, ông Bảy chăn nuôi heo, làm ruộng, nhờ tiết kiệm trong chi tiêu, nên sau ít năm gia đình cũng dành dụm được chút vốn liếng. Lúc này, ông liền lên liếp trồng 200 cây ca cao, 200 cây dừa vào 1.000 cây chuối. Nhờ cần cù lao động, cộng thêm tiết kiệm trong chi tiêu, nên gia đình dần thoát được cảnh nghèo và có tích lũy vốn. Thời gian qua, giá cả heo hơi bấp bênh, do đó, gia đình chuyển sang nuôi lươn. Nhờ mô hình này, đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Không chỉ tích cực chăm lo đời sống gia đình, ông Bảy còn giáo dục con cháu phải biết phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, sống có ích cho xã hội, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Ông Su, ông Bảy là hai người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn huyện Phụng Hiệp được tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc được tổ chức tại thủ đô Hà Nội sắp tới đây. Còn rất nhiều những điển hình thương binh tiêu biểu khác đã và đang tự vươn lên, tự giúp mình, giúp đời, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bỏ qua tất cả đau thương của thời chiến, ông Su, ông Bảy lại miệt mài với ruộng vườn, vui vầy bên gia đình, con cháu trong cuộc sống hôm nay. Ông Đào Ngọc Điền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Ông Su, ông Bảy là hai  trong số nhiều thương binh tiêu biểu vượt khó trong phát triển kinh tế gia đình của huyện. Nhìn chung, đa số thương binh của huyện luôn nỗ lực trong lao động sản xuất, quyết tâm và cố gắng chăm lo cho gia đình. Đồng thời, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở địa phương”.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, huyện Phụng Hiệp sẽ tổ chức họp mặt 300 gia đình chính sách tại huyện. Đồng thời, thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh nặng... Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng tổ chức họp mặt tất cả gia đình chính sách trên địa bàn... Huyện Phụng Hiệp hiện có 41 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang, 13 thương binh nặng có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên....

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>