Những con kênh Chống Mỹ

28/04/2022 | 08:34 GMT+7

Thời kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta ngoài sáng chế, cải tiến vũ khí để tiêu diệt địch còn có những cách làm để dễ hành quân, vận chuyển đạn dược, lương thực, hạn chế địch tiến công, đó là đào kênh. Hậu Giang có những kênh lịch sử ấy mang tên Chống Mỹ.

Ông Võ Văn Cao kể lại quá trình hình thành kênh chống Mỹ, xã Hỏa Tiến.

Hạn chế địch tiến công

Những ngày tháng 4 lịch sử này, tìm về kênh Chống Mỹ, ở ấp Thạnh Hòa 2 và ấp Thạnh Quới 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, được nghe ông Võ Văn Cao (ấp Thạnh Quới 2) tham gia kháng chiến từ năm 1963 đến 1975, kể về quá trình hình thành con kênh thì càng quý hơn dòng kênh yên ả, thanh bình và đầy giá trị lịch sử.

Ông Cao kể, sau khi phong trào Đồng Khởi (năm 1960) nổ ra, nơi đây địch càn quét dữ dội. Trong một lần như thế, xe tăng của địch vượt qua kênh nội đồng (kênh Chống Tăng ngày nay, gần kênh Chống Mỹ), nhưng loay hoay một hồi mới leo được lên bờ, khi lên tới bờ, bộ đội ta đã đủ thời gian bố trí trận địa, chống trả quyết liệt, làm tiêu hao sinh lực địch. Ngoài ra, thời đó vùng đất nơi đây ít kênh rạch nên phèn đóng “vàng khè” dưới mương, năng suất cây trồng khá thấp.

Khoảng năm 1964, nhằm “dẫn thủy nhập điền” để người dân phát triển nông nghiệp, góp phần nuôi quân đánh địch, đồng thời vận chuyển bộ đội, vũ khí thuận lợi, chính quyền vận động người dân và bộ đội đào kênh này.

Do ban ngày địch càn quét nhiều nên bộ đội và dân tập trung hàng trăm người đào kênh vào ban đêm. Với tinh thần đoàn kết, khoảng 10 ngày sau kênh được đào xong, ngang 4m, sâu 1,5m, dài hơn 1km và được đặt tên kênh Chống Mỹ.

Từ khi kênh Chống Mỹ ra đời, xe tăng của địch không dám “bén mảng” tới đây nên xuồng, ghe vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực trên kênh thuận lợi và nhiều hơn trước, có lúc hàng chục chiếc, góp phần làm nên ngày 30-4 lịch sử.

Còn kênh Chống Mỹ, ở ấp 2, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cũng có những đóng góp quan trọng trong việc ngăn chặn tiến công địch. Ông Phạm Minh Giữ, năm nay đã ngoài 80 tuổi, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1960 đến ngày đất nước độc lập, nhớ rõ như in quá trình đào kênh Chống Mỹ.

Ông Giữ kể, sau năm 1960, Mỹ và bè lũ tay sai càng đánh phá ác liệt nơi đây, ngoài máy bay, trực thăng, chúng còn sử dụng xe tăng. Có những trận, chúng huy động trên 10 xe tăng để càn quét. Thời điểm đó, nơi đây có một kênh nhỏ chừng 2m, dài khoảng 3km để người dân dẫn nước vào ruộng nên xe tăng vượt qua dễ dàng.

Nhằm ngăn chặn sự tiến công địch và vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ kháng chiến, chính quyền địa phương tổ chức đào, mở rộng kênh này rộng khoảng 4m, dài hơn 1,5km nối với kênh Sóc Miên (ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn ngày nay). Với sự đồng tâm, hiệp lực, khoảng 15 ngày sau kênh được đào xong trong niềm vui mừng của chính quyền, bộ đội và người dân, từ đó được đặt tên kênh Chống Mỹ.

Sau khi kênh hình thành, ngoài thuận lợi trong vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực, kênh còn đóng góp quan trọng trong việc ngăn chặn tiến công của địch, nhất là xe tăng. “Khoảng năm 1969, trong một trận càn, địch sử dụng trên 10 chiếc xe tăng để hành quân về xã Lương Tâm. Khi đến kênh này, một số xe vượt qua, nhưng một số xe vướng lại, sau đó địch phải lui quân. Kể từ đó, xe tăng không còn hành quân qua kênh này”, ông Giữ kể.

Góp phần phát triển địa phương

Sau ngày 30-4-1975, nhằm phục vụ tưới tiêu và phát triển kinh tế, hai con kênh trên tiếp tục được đào mở rộng, tăng chiều dài. Đến nay, mỗi kênh bề rộng từ 10-20m, dài từ 2,5 đến 5km, góp phần giúp người dân tháo chua, rửa phèn, tăng năng suất cây trồng, kinh tế phát triển.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lịch sử này, ông Nguyễn Văn Tùng, 61 tuổi, ở ấp Thạnh Quới, xã Hỏa Tiến, hiểu rõ cuộc sống của người dân nơi đây. Theo đó, sau khi giải phóng, thống nhất đất nước, chính quyền địa phương tổ chức đào kênh, rộng 5m, dài khoảng 2,5km tiếp giáp với địa phận Trại giam Kênh 5. Sau đó, do nhiều lần mở rộng, sạt lở nên đến nay kênh rộng hơn 10m, sâu khoảng 3,5m.

Từ khi kênh mở rộng, việc “dẫn thủy nhập điền” phục vụ tưới tiêu, tăng mùa vụ của người dân rất thuận lợi. Nếu trước đây, vùng đất này chỉ làm 1-2 vụ lúa, nhưng nay đã 3 vụ, năng suất cao nhất khoảng 1,1 tấn/công (vụ Đông xuân). Ngoài ra, việc bán nông sản của người dân cũng rất thuận lợi, thương lái đến tận nhà mua. “Nếu mua gì nhiều mà mình không có phương tiện để chở thì chỉ cần cuộc điện thoại là sản phẩm đó được chở tới nhà bằng đường thủy hoặc đường bộ. Nhờ thuận lợi trên nên hầu hết hộ dân trên tuyến kênh này có cuộc sống ổn định, khấm khá”, ông Tùng cho biết.

Còn kênh Chống Mỹ, ở ấp 2, xã Xà Phiên được xem là một trong những kênh huyết mạch của xã về đường thủy. Hàng ngày, có hàng trăm lượt phương tiện thủy từ vài tấn đến vài chục tấn lưu thông trên tuyến này, góp phần vận chuyển hàng hóa cho bà con trong và ngoài xã.

Không chỉ góp phần giúp người dân tăng năng suất cây trồng, kênh Chống Mỹ còn là những chuyến đò đưa nhiều học sinh đến trường thực hiện ước mơ nuôi con chữ, thay đổi cuộc đời.

Thầy Nguyễn Văn Tùng, ở ấp 2, xã Xà Phiên, hiện là giáo viên Trường THCS Xà Phiên, kể: Thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, việc học của con em nơi đây rất vất vả, muốn đến trường phải lội bộ vài cây số toàn là lộ đất. Mùa mưa thì người nhà phải đưa bằng xuồng, ghe trên kênh Chống Mỹ này đến trường. Vậy mà, nhiều người ở đây đã đậu cao đẳng, đại học, ra trường làm nhiều việc có ích cho xã hội.

“Thời đó, ngoài học để mong sao sớm thay đổi cuộc đời, chúng tôi còn nghe ông cha kể về lịch sử kênh Chống Mỹ trong vận chuyển vũ khí, lương thực, ngăn chặn địch tiến công, nên rất tự hào là người con vùng đất này”, thầy Tùng cho biết.

Những tưởng con kênh Chống Mỹ sẽ chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình, nhưng không, nó đã góp phần viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc thời hòa bình. Thời khói lửa, kênh như oằn mình chống chịu đạn bom, che chở cách mạng thì nay là dòng sữa ngọt ngào nuôi lớn bao thế hệ, dịu dàng nâng bước địa phương thêm phát triển.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>